Biến rác thải thành…bê tông

Bê tông vụn, rác thải công trình... đều có thể trở thành những cấu kiện bê tông vững chắc dùng trong xây dựng. Đây là một nghiên cứu thiết thực của sinh viên Nguyễn Bình Nguyên của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ Phan Thế Vinh, giảng viên khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá, bê tông tái chế theo công nghệ của Nguyễn Bình Nguyên không những có giá thành thấp mà còn giải quyết được bài toán rác thải xây dựng.

Quy trình đơn giản, chất lượng đảm bảo

Bê tông tái chế được làm theo một quy trình khá đơn giản. Rác thải xây dựng (xà bần) từ những công trình phá bỏ: Chung cư, công sở, nhà tư nhân… sẽ được chuyển đến một bãi tập trung, cho vào máy nghiền, sàng (giống như máy nghiền đá tại các mỏ đá) và loại tạp chất. Quá trình này cho ra cốt liệu thô làm đá bê tông có kích thước từ một đến bốn cm, thay thế cho đá xây dựng có cùng kích thước được lấy từ các mỏ đá. Kết quả thử nghiệm cường độ chịu nén bê tông tái chế mác 100 dùng cốt liệu đá bê tông trong phòng thí nghiệm đã cho kết quả khả quan. Cốt liệu này sau khi trộn với cát, xi măng và nước sẽ cho ra bê tông thành phẩm.

Cụ thể, để sản xuất 1m3 bê tông tái chế có mác 100, cần 236 lít nước, 286 kg xi-măng, 1.336 kg đá bê tông và 636 kg cát vàng, giá thành khoảng 456.000 đồng. Trong khi để sản xuất 1m3 bê tông có cùng mác 100, bằng cốt liệu đá tự nhiên, có giá thành đến 512.000 đồng, như vậy, bê tông tái chế tiết kiệm gần 11% chi phí sản xuất. Kinh phí đầu tư một dây chuyền nghiền sàng đá công suất 50m3/giờ (khoảng 2,5 tỷ đồng). Thời gian khấu hao máy trong vòng 19 tháng, khoảng 139 triệu đồng/tháng. Chi phí cho nhân công, quản lí, điện, nước, dầu và các chi phí phát sinh khác 250 triệu đồng/tháng. Nếu sử dụng máy 8 giờ/ngày, một tháng có khả năng sản xuất 12.000 m3, giá thành 13 đá bê tông tái chế chỉ 32.400 nghìn đồng, thấp hơn nhiều so với sản xuất đá tự nhiên. Những thành phần còn lại, không phải đá bê tông sau khi đã loại tạp chất (ni lông, vải, gỗ…) có thể bán cho các công trình xây dựng để san lấp mặt bằng, làm nền.

Cũng theo thạc sĩ Vinh, hoàn toàn có thể sản xuất được bê tông mác 200. Tuy nhiên, cần sử dụng thêm phụ gia và tỷ lệ xi măng cao hơn bê tông thường, nên không hiệu quả. Nhưng việc sản xuất bê tông tái chế dùng trong các kết cấu ít chịu lực như con lươn, vỉa hè, bê tông lót nền, tấm ghép panel, vách đứng trong hệ thống mương thoát nước, ghế đá… là rất hợp lý và an toàn.

Giải pháp cho vấn nạn rác xây dựng

Vấn đề đau đầu của Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như nhiều địa phương khác là không tìm ra nơi đổ xà bần. Theo thống kê, chỉ tính riêng địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác thải xây dựng, nhưng chỉ khoảng 1.000 tấn trong số này được đổ đúng nơi quy định. Việc đổ trộm xà bần, ảnh hưởng đến nhiều công trình khác và gây mất mỹ quan thành phố. Ông Phan Phùng Sanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học - Kỹ thuật xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: công trình biến xà bần thành bê tông rất thực tế, cần sớm đưa vào sử dụng. Đá bê tông mác thấp sử dụng làm đường giao thông nông thôn sẽ rất hiệu quả.

Nguồn: Tạp chí hoạt động khoa học