Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hàng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả công bố xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy KH&CN Việt Nam hội nhập và phát triển. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, tuy không dài nhưng Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã bước đầu tạo được uy tín trong cộng đồng khoa học, thu hút sự quan tâm của xã hội.
Quá trình hình thành Giải thưởng mang tên cố GS Tạ Quang Bửu
Cố GS Tạ Quang Bửu là một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam, đồng thời đặt nhiều tâm huyết trong bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN của đất nước. Năm 2012, tạp chí Tia sáng đề xuất với lãnh đạo Bộ KH&CN phương án tổ chức Giải thưởng mang tên GS Tạ Quang Bửu cho các nhà nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, là tác giả của các công trình xuất sắc đăng tải trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Dự thảo ban đầu đề xuất xét thưởng cho 4 ngành (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học), sau đó có thể mở rộng sang một số chuyên ngành khác. Giải thưởng dự kiến được trao cho các cá nhân hoặc nhóm nghiên cứu đang làm việc ở cả trong và ngoài nước, có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc trong các môn khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, với chức năng tài trợ nghiên cứu cơ bản được giao phối hợp với các đơn vị trong Bộ KH&CN chuẩn bị quy chế và tổ chức triển khai Giải thưởng.
Theo Quy chế Giải thưởng do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tháng 8/2013, mỗi năm, Giải thưởng được trao tặng tối đa cho ba nhà khoa học là tác giả công trình khoa học xuất sắc và một nhà khoa học trẻ. Các giải thưởng được xem xét, trao tặng cho các nhà khoa học thực hiện công trình nghiên cứu tại Việt Nam thuộc tất cả các ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Các hồ sơ tham dự Giải thưởng được đánh giá thông qua các Hội đồng khoa học chuyên ngành của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia và Hội đồng Giải thưởng bao gồm các Chủ tịch Hội đồng khoa học chuyên ngành, một nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và một nhà khoa học nước ngoài ở Việt Nam. Thành phần các Hội đồng đánh giá về cơ bản được giữ nguyên trong các năm qua. Quy chế Giải thưởng hướng tới chất lượng, hội nhập trong nghiên cứu khoa học, đảm bảo thủ tục đăng ký tham gia xét tặng Giải thưởng đơn giản, quá trình xem xét, đánh giá hồ sơ khách quan, chính xác.
Tổ chức và triển khai Giải thưởng
Tháng 10/2013, thông báo mời nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu lần đầu tiên được công bố rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN và Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, đồng thời được gửi tới các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước nhằm giới thiệu về Giải thưởng. Sau 7 năm triển khai, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng khoa học Việt Nam.
Tính đến hết năm 2020, 16 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 4 nhà khoa học trẻ đã được trao tặng Giải thưởng trong tổng số hơn 300 hồ sơ đăng ký tham dự. |
Cho đến nay, các công trình và nhà khoa học đoạt Giải thưởng đều đáp ứng mục tiêu của Giải thưởng là nhằm động viên, khích lệ các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu cơ bản xuất sắc, góp phần tạo nên môi trường nghiên cứu trong nước thuận lợi, hội nhập quốc tế, thể hiện qua một số điểm sau:
- Chất lượng của các công trình được trao tặng Giải thưởng là những dấu ấn rõ nét, góp phần quan trọng tạo nên uy tín của Giải thưởng. Các công trình đều được các Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá cao về chất lượng nghiên cứu, có ý nghĩa khoa học, tác động đến vấn đề, chuyên ngành nghiên cứu và được xếp thứ hạng cao trong Danh mục tạp chí của Web of Science và Scimago (top 10%).
- Yếu tố nội lực trong nghiên cứu cũng là nét đặc biệt của các công trình đoạt giải. Theo quy định, các công trình được thực hiện tại Việt Nam và nhà khoa học đoạt giải phải là người có đóng góp quan trọng nhất đối với công trình (được các đồng tác giả khác của công trình xác nhận). Thực tế trong các năm qua, các công trình bao gồm toàn bộ các tác giả trong nước chiếm trên 50% số lượng các công trình đoạt giải, thể hiện tính tự lực trong việc thực hiện và công bố công trình khoa học xuất sắc của các nhà khoa học Việt Nam.
- Tính xuất sắc của công trình khoa học đăng ký giải thưởng là tiêu chí duy nhất khi xem xét, đánh giá xét chọn giải thưởng. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện, Giải thưởng được phân bố đa dạng với nhà khoa học ở các độ tuổi (37-64 tuổi với giải thưởng chính), giới tính (18 nam, 2 nữ), vùng miền (miền Bắc 14, miền Trung 2, miền Nam 4) trên cả nước. Giải thưởng được trao cho các nhà khoa học thuộc đầy đủ các ngành trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật, với các công trình tính lý thuyết thuần túy (thuộc các ngành Toán học, Vật lý, Khoa học TT&MT), cũng như các công trình có tính ứng dụng cao, sát với thực tế của Việt Nam (thuộc các ngành Vật lý - vật liệu, Hóa học, Khoa học trái đất và môi trường, y-dược, nông nghiệp).
Việc hình thành và triển khai Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã góp phần quan trọng, tạo nên hoạt động thường niên có ý nghĩa, thúc đẩy hoạt động KH&CN, được cộng đồng khoa học chờ đón và ủng hộ. Mỗi năm, thông tin về nhà khoa học, công trình đoạt giải đều có nét thú vị riêng:
- Năm 2014, Giải thưởng đầu tiên được trao cho 2 nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Toán học và Vật lý, là các ngành có số lượng công bố quốc tế và lực lượng nghiên cứu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam.
- Năm 2015, Giải thưởng được mở rộng sang lĩnh vực Khoa học thông tin và máy tính, Khoa học trái đất và môi trường, đồng thời Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ cũng lần đầu tiên được trao trong lĩnh vực Toán học.
- Năm 2016 là dấu mốc cho việc trẻ hoá độ tuổi của các nhà khoa học đoạt Giải thưởng. Hai nhà khoa học đoạt Giải thưởng chính ở độ tuổi trung bình là 40 tuổi, thấp hơn nhiều tuổi trung bình của các năm trước (59 tuổi).
- Năm 2017, lần đầu tiên Giải thưởng được trao tặng cho hai nhà khoa học ở khu vực miền Trung và miền Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Giải thưởng được trao cho nhà khoa học trong lĩnh vực Hoá học.
- Năm 2018, Giải thưởng lần đầu được trao cho nhà khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học Nông nghiệp, đồng thời Giải thưởng chính cũng được trao cho nhà khoa học trẻ nhất (37 tuổi).
- Năm 2019, Giải thưởng được tiếp tục mở rộng đối với lĩnh vực Khoa học y dược, Khoa học kỹ thuật và công nghệ, đánh dấu việc Giải thưởng đã bao gồm toàn bộ 8 ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Đây cũng là năm đầu tiên Giải thưởng được trao tặng cho nhà khoa học nữ.
- Năm 2020, lần đầu nhà khoa học trẻ khu vực miền Nam được trao giải thưởng (cả ba nhà khoa học đoạt Giải thưởng đều từ khu vực miền Nam và miền Trung). Năm 2020, nhà khoa học nữ tiếp tục được trao Giải thưởng.
Để có sự thành công của Giải thưởng trong các năm vừa qua, không thể không kể đến sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong công tác tổ chức Giải thưởng:
- Hội đồng khoa học chuyên ngành (HĐKH) và Hội đồng Giải thưởng. Các hồ sơ tham dự Giải thưởng được đánh giá theo các chuyên ngành nghiên cứu, thông qua HĐKH và các chuyên gia phản biện có chuyên môn phù hợp trong nước. HĐKH là các Hội đồng khoa học ngành của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, bao gồm các nhà khoa học có thành tích nghiên cứu xuất sắc, có uy tín, được cộng đồng khoa học cùng lĩnh vực tín nhiệm, bầu chọn. Sau đó, các hồ sơ đề cử theo chuyên ngành được đánh giá tại Hội đồng Giải thưởng và chuyên gia quốc tế có uy tín trong lĩnh vực. Hội đồng Giải thưởng bao gồm Chủ tịch các Hội đồng khoa học ngành và các nhà khoa học xuất sắc, có uy tín quốc tế (như GS.TS Pierre Darriulat, GS.TS Ngô Bảo Châu, GS.TS Nguyễn Thục Quyên). Các HĐKH và Hội đồng Giải thưởng với trình độ chuyên môn cao, làm việc nghiêm túc, khách quan là yếu tố quan trọng quyết định, đảm bảo chất lượng và uy tín của Giải thưởng.
- GS.TSKH Ngô Việt Trung, người có đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và triển khai quy chế của Giải thưởng, đồng thời 5 lần giữ trọng trách Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng (các năm 2014, 2015, 2018-2020); GS.TS Pierre Darriulat, nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực Vật lý đã có nhiều năm làm việc tại Việt Nam, tham gia Hội đồng Giải thưởng liên tiếp trong 6 năm (2014-2019) với nhiều ý kiến tâm huyết và mạnh mẽ, chú trọng vào việc khuyến khích hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam, tăng cường năng lực cho các nhóm nghiên cứu hay hỗ trợ các nhà khoa học trẻ.
- Các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp đã quan tâm, ủng hộ nguồn kinh phí trao tặng Giải thưởng. Từ những năm đầu tổ chức đến nay, kinh phí của Giải thưởng đều được lấy từ nguồn xã hội hóa. Mức tiền thưởng 200 triệu đồng (Giải thưởng chính) và 50 triệu đồng (Giải thưởng trẻ) là nguồn động viên lớn cho các nhà khoa học. Đặc biệt, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân đã hỗ trợ một Giải thưởng chính trong những năm đầu tiên, khi việc tìm kiếm nguồn kinh phí trao Giải thưởng còn khó khăn. Tập đoàn Minh Long đã hỗ trợ thiết kế và gia công bộ huy chương Giải thưởng với công nghệ sứ mạ vàng tiên tiến, sử dụng trong nhiều năm. Tập đoàn Phenikaa đã cam kết tài trợ kinh phí cho toàn bộ các Giải thưởng trong 03 năm (2019-2021).
Trên cơ sở kết quả bước đầu đạt được, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện đẩy mạnh hơn nữa chất lượng công tác tổ chức, tuyên truyền về Giải thưởng, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá cũng như nâng cao chất lượng của các phản biện quốc tế, tìm kiếm và hợp tác với các nhà khoa học Việt Nam có uy tín ở nước ngoài, mời tham gia Hội đồng Giải thưởng để Giải thưởng tiếp tục giữ vững uy tín và ngày càng hội nhập theo thông lệ quốc tế. Trong quá trình tổ chức Giải thưởng, một số vấn đề cũng được tranh luận và đặt ra như có nên trao giải thưởng cho tập thể nhóm nghiên cứu, các cụm công trình, cho riêng từng ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật hoặc trao tặng giải riêng cho lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm. Ban Tổ chức và Cơ quan thường trực Giải thưởng tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học có uy tín và kinh nghiệm để hoàn thiện quy chế của Giải thưởng.
Nguồn: Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia