[Tây Ninh] Thông báo đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2026

Sở KH&CN tỉnh Tây Ninh thông báo đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đề xuất các nhiệm vụ KH&CN ưu tiên cấp tỉnh thực hiện trong năm 2026

Nhằm góp phần giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ (KH&CN) đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển KH&CN tại địa phương, Sở KH&CN tỉnh Tây Ninh thông báo đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đề xuất các nhiệm vụ KH&CN ưu tiên cấp tỉnh thực hiện trong năm 2026 theo các tiêu chí sau:
1. Căn cứ đề xuất nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2026
Các đề xuất nhiệm vụ KH&CN đảm bảo căn cứ, nguyên tắc, yêu cầu đối với đề xuất nhiệm vụ KH&CN theo quy định, nhất là tính cấp thiết, tính mới, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, gắn với địa chỉ ứng dụng cụ thể, có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương (Một số văn bản định hướng nội dung đề xuất nhiệm vụ KH&CN đính kèm tại Phụ lục).
2. Các tiêu chí chung của đề xuất
– Đáp ứng các tiêu chí của nhiệm vụ KH&CN (đề tài, đề án, dự án SXTN, nhiệm vụ KH&CN tiềm năng cấp tỉnh, dự án KH&CN cấp tỉnh) quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8 của Quyết định số 48/2015/QĐ-UBND ngày 21/9/2015 của UBND tỉnh Tây Ninh và khoản 2 Điều 1 của Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 7 tháng 5 năm 2018 của UBND tỉnh Tây Ninh.
– Nhiệm vụ KH&CN gắn với sản xuất và phục vụ sản xuất, các lĩnh vực có khả năng tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, khai thác tiềm năng, các sản phẩm lợi thế của tỉnh Tây Ninh, có thể nhanh chóng chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn, gắn chặt sản xuất, chế biến với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
– Nhiệm vụ KH&CN đề xuất cần xem xét việc triển khai mang tính ứng
dụng và có địa chỉ ứng dụng các kết quả chính tạo ra. Ưu tiên nhiệm vụ KH&CN đề xuất được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cam kết sử dụng kết quả khi nhiệm vụ KH&CN hoàn thành. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ứng dụng kết quả dự kiến phải có năng lực tiếp nhận và triển khai một cách hiệu quả kết quả tạo ra.
– Khuyến khích: các tổ chức, cá nhân kết nối, phối hợp với chuyên gia, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh khảo sát thực tế trong xây dựng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ; các tổ chức KH&CN liên kết với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đề xuất thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và có đối ứng vốn từ doanh nghiệp.
3. Một số định hướng theo lĩnh vực nghiên cứu cụ thể
3.1. Lĩnh vực khoa học nông nghiệp và phát triển nông thôn
– Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp tuần hoàn (chú trọng các công nghệ tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp); nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo hướng sinh thái, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Ứng dụng công nghệ sinh học trong lưu giữ, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm có giá trị, tiềm năng khai thác thương mại.
– Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp: Ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị; phát triển quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến đến tiêu thụ tạo sự minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0, viễn thám, AI, công nghệ cao trong thu thập, quản lý thông tin, phân tích dữ liệu về quản lý vùng trồng, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh…
– Xây dựng và quảng bá nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đặc biệt là mô hình tổ chức sản xuất mới: mô hình nông nghiệp thông minh, tuần hoàn; mô hình theo thướng hữu cơ; mô hình sản xuất áp dụng VietGAP; mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng; mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu; mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi; sản xuất kết hợp du lịch sinh thái.
– Xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm
nông sản, thủy sản chủ lực, đặc thù của tỉnh Tây Ninh, góp phần thúc đẩy việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, bảo vệ và khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
3.2. Lĩnh vực công nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp
– Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp hiện có; đề xuất thành lập mới, mở rộng các khu công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh; thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu.
– Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, giải pháp phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh: Dệt, sản xuất sợi vải, nguyên phụ liệu dệt may; sản xuất, chế biến cao su và plastic; sản xuất, chế biến thực phẩm; may mặc – da giày; sản xuất, chế biến mía đường và khoai mì; cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ và năng lượng tái tạo; Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, hạn chế các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên phát triển vật liệu xanh, vật liệu mới thân thiện với môi trường.
– Nghiên cứu phát triển và mở rộng thị trường các sản phẩm mới, nhất là sản phẩm giá trị cao từ nông sản nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả Chương trình OCOP, phát triển ngành nghề nông thôn.
3.3. Lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ – Du lịch
– Nghiên cứu đặc điểm hình thành, các giải pháp gìn giữ, bảo tồn, phát huy  giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn; nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình dịch vụ du lịch là thế mạnh và đặc trưng tỉnh Tây Ninh; Nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào hoạt động
quản lý, đào tạo nhân lực du lịch, nghiên cứu thị trường và xúc tiến, quảng bá du
lịch, phát triển du lịch thông minh.
– Xây dựng các mô hình mẫu nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân đầu tư du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, học tập, nghiên
cứu, trải nghiệm hoạt động nông, lâm nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp hữu
cơ, nông nghiệp công nghệ cao, chăm sóc và phát triển rừng, nuôi trồng thủy sản
phục vụ loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng, du lịch tâm linh.
– Nghiên cứu, phát triển ứng dụng dựa trên công nghệ thực tế ảo để giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch đặc trưng của tỉnh Tây Ninh, các địa điểm văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của tỉnh, thu hút đầu tư phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh.
 3.4. Lĩnh vực Tài nguyên môi trường
– Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, trong đó có phát triển công nghiệp phụ trợ, trang thiết bị để sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, hydrogen xanh, amoniac xanh và các công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ các-bon (CCUS);
– Nghiên cứu phát triển, ứng dụng làm chủ và chuyển giao công nghệ xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại; các dự án đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng làm chủ và chuyển giao công nghệ phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng.
– Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) … trong dự tính, dự báo tác động của biến đổi khí hậu, trong xây dựng và triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

3.5. Lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo
– Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy học nghiên cứu khoa học.
– Nghiên cứu các giải pháp phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, thúc đẩy sự gắn kết giữa giáo dục – đào tạo và khoa học  công nghệ, sản xuất – kinh doanh.
– Xây dựng mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; mô hình, giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo, sáng kiến trong hệ thống trường học phổ thông, trường cao đẳng và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
3.6. Lĩnh vực Y tế
– Nghiên cứu các giải pháp về phát triển y tế, ứng dụng chuyển giao các
kỹ thuật và công nghệ tiên tiến hiện đại trong chẩn đoán, phòng và điều trị bệnh đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, bệnh nguy hiểm, các bệnh mới phát sinh.
– Chuyển giao công nghệ trong nuôi trồng dược liệu, sản xuất và tiêu dùng thuốc y học cổ truyền; kiểm nghiệm, chứng minh hiệu quả của các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền.
– Ứng dụng khoa học kỹ thuật, kết hợp y dược hiện đại với y dược cổ
truyền trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng; các phương pháp khám và điều trị bằng y học cổ truyền.
3.7. Lĩnh vực Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số
– Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số; ứng dụng có hiệu quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng chính quyền quản lý thông minh, đô thị thông minh, trong sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp và trong hoạt động của các ngành, lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Tây Ninh. 
– Tiếp nhận chuyển giao ứng dụng các phần mềm tin học trong quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến, công tác quản lý, điều hành và xây dựng đô thị thông minh của tỉnh Tây Ninh. 
4. Về thời hạn và thành phần hồ sơ đề xuất
–  Thời hạn nhận đề xuất: từ ngày ra thông báo đến 17 giờ 00 phút ngày 14/3/2025.
–  Biểu mẫu đề xuất nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh
Cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh theo các mẫu quy định: phiếu đề xuất đề tài khoa học và công nghệ thực hiện theo Mẫu A1-ĐXNV.ĐT; dự án khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm thực hiện theo Mẫu A2-ĐXNV.DA; Đề án khoa học thực hiện theo Mẫu A3-ĐXNV.ĐA.
(Lưu ý: Văn bản đề xuất, của các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp gửi sau thời hạn nêu trên, tùy thuộc vào tính cấp thiết của nhiệm vụ sẽ được bổ sung vào danh sách đề xuất nhiệm vụ KH&CN của năm tiếp theo).
Văn bản đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2026 vui lòng gửi về địa chỉ: Sở KH&CN tỉnh Tây Ninh, số 211, đường 30/4, khu phố 3, phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Điện thoại: 0276.3825849;        Email: qlkh@tayninh.gov.vn
Sở KH&CN tỉnh Tây Ninh rất mong nhận được sự quan tâm, đề xuất nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh từ quý cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Nguồn: Sở Khoa học Công nghệ Tây Ninh