Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), nhiều dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã được triển khai thực hiện tại Đà Nẵng. Kết quả thực hiện các dự án này đã tạo được những tiềm năng lớn về ứng dụng tiến bộ KH&CN, thúc đẩy liên kết trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho địa phương, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, dân trí và cải thiện đời sống nhân dân...
Chương trình nông thôn miền núi tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương
Huyện Hòa Vang được biết đến là vùng đất nông nghiệp của Đà Nẵng, với diện tích đất lớn và tiềm năng lâu đời về nông nghiệp, nhiều dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi được triển khai tại đây. Các nhiệm vụ đề xuất tham gia Chương trình đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương như bưởi da xanh, các loại rau hữu cơ, các loại cây dược liệu quý và một số vật nuôi. Thông qua việc triển khai thực hiện các dự án nông thôn miền núi, Hòa Vang đã tiếp nhận được nhiều tiến bộ KH&CN áp dụng vào sản xuất, đời sống tại các địa bàn nông thôn, miền núi của Huyện. Tại các xã như: Hòa Khương và xã Hòa Phong với diện tích đất nghiên cứu quy hoạch cho nông nghiệp là 16,2137ha. Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Khương với diện tích đất nghiên cứu quy hoạch 28,8395ha; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Hòa Phú, diện tích đất nghiên cứu quy hoạch 20,9023ha,… đã tạo lượng quỹ đất lớn trong quá trình sản xuất và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.
Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại Công ty TNHH Tâm An Farm (xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang)
Bên cạnh đó, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực này với nhiều ưu đãi, như: hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng, nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bảo quản, tưới tiêu) 50% chi phí nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ xây dựng, trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 50%, nhưng không quá 1 tỷ đồng/mô hình; hỗ trợ 100% lãi suất vay đầu tư trong 3 năm với mức vay tối đa 10 tỷ đồng/dự án…
Tại xã Hòa Ninh, với tiềm năng của cây bưởi da xanh, Văn phòng Chương trình nông thôn miền núi đã phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đầu tư và thực hiện dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đề án phát triển Bưởi da xanh tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng”. Hiện nay, Dự án đã đi vào đoạn cuối của giai đoạn. Ban chủ nhiệm dự án (Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hòa Vang) đã triển khai dầy đủ các nội dung của dự án, đã triển khai và chuyển giao hai quy trình nhân giống bưởi da xanh, thực hiện quy trình hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến thời điểm tháng 1/2020, dự án đã triển khai trồng 10ha bưởi thương phẩm, sản xuất 10.000 cây giống theo phương pháp ghép mắt. Từ việc ứng dụng và thực hiện tốt các quy trình của các hộ dân, đa số các vườn bưởi được triển khai từ đầu năm 2018 đã cho quả bói và phát triển tốt. Dự kiến Dự án sẽ kết thúc vào đầu năm 2021 và sẽ được chuyển giao cho các hộ dân tại Hòa Vang tiếp tục phát triển dự án.
Ngoài dự án bưởi da xanh, một dự án nữa thuộc Chương trình Nông thôn miền núi đang được triển khai có tác động tích cực rất lớn đến đời sống, hiệu quả kinh tế của người dân huyện Hòa Vang đó là dự án: Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ tại thành phố Đà Nẵng, do Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng chủ trì và Trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam hỗ trợ ứng dụng công nghệ.
Mô hình rau hữu cơ tại Cơ sở Bầu Bàng, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng
Quy trình sản xuất rau hữu cơ được đánh giá là đạt tiêu chuẩn, không chỉ dừng lại ở việc không sử dụng thuốc trừ sâu hay không sử dụng phân thuốc hoá học, không dùng các chất bảo quản thực phẩm mà còn phải đảm bảo rất nhiều yếu tố về nguồn nước, phân bón từ động vật và đất canh tác. Khi đạt đầy đủ những yếu tố kiểm định đó thực phẩm mới được công nhận và đóng gói thành sản phẩm mang tới tay người tiêu dùng. Theo Ban chủ nhiệm dự án, Dự án sản xuất rau hữu cơ được triển khai tại TP Đà Nẵng là dự án sản xuất mới và khó trong điều kiện các văn bản pháp lý và hướng dẫn kỹ thuật của nhà nước còn chưa đầy đủ. Tuy nhiên đơn vị chủ trì cùng đơn vị chuyển giao và các mô hình tham gia đã cố gắng hoàn thành một số kết quả nhất định. Dự án đã tổ chức đào tạo lớp tập huấn TOT (lớp tập huấn trồng rau hữu cơ), chuyển giao công nghệ, hướng dẫn xây dựng mô hình, xây dựng kế hoạch sản xuất và theo dõi sản xuất… Qua thực tế tại địa phương, một số các quy trình công nghệ đang được tiếp tục hoàn thiện bảo đảm tính phù hợp với điều kiện của TP Đà Nẵng. Hiện tại, dự án đã triển khai mô hình tại Công ty TNHH Tâm An Farm (xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang), Cơ sở sản xuất số 2, phòng Hậu cần, Bộ chỉ huy quân sự (xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang), Cơ sở xã hội Bầu Bàng (xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang) với một số loại rau như: rau ngót, cải xanh, cải ngọt, rau dền, xà lách, mướp đắng, đậu cove, dưa leo, cà chua, ngò,...
Đại diện Sở KH&CN và thành các thành viên Hội đồng đánh giá dự án chụp ảnh lưu niệm
Tại buổi kiểm tra đánh giá định kỳ dự án vào ngày 04/2/2021, Hội đồng và Lãnh đạo Sở KH&CN đánh giá cao các kết hiện tại của dự án. Với sự thành công bước đầu, dự án trồng rau hữu cơ tại thành phố Đà Nẵng, đặc biệt tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã hỗ trợ một bộ phận không nhỏ người cải tạo tại cơ sở, giúp tăng thu nhập và tạo công việc ổn định cho người đến cải tạo.
Các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã mang lại những hiệu quả tích cực, thể hiện được vai trò của KH&CN trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại vùng nông thôn, miền núi Đà Nẵng. Một số chính sách và cơ chế ưu đãi thúc đẩy các nhà khoa học hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đà Nẵng được triển khai hiệu quả và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: Sở KH&CN Thành phố Đà Nẵng