Nghiệm thu đề tài "Di thực một số loài tre, trúc phục vụ cho Công viên văn hóa chuyên đề Tre Việt"

Ngày 18/04/2025, Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng “Di thực một số loài tre, trúc phục vụ cho Công viên văn hóa chuyên đề Tre Việt”. Đây là đề tài được UBND TP. Đà Nẵng-quận Sơn Trà giao Đại học Đông Á chủ trì thực hiện vào tháng 6/2023. Đề tài được nhà trường triển khai cùng Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường tỉnh Khánh Hoà, Đại học Đà Lạt và Trung tâm KH Lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc bộ.

TS. Trần Ngọc Thanh – Chủ nhiệm đề tài (Viện trưởng Viện Nông Nghiệp Phát triển Nông thôn trường Đại học Đông Á) đã báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ của đề tài trong thời gian qua. Với mục tiêu lập danh sách 30 loài tre, trúc ưu tiên di thực và trồng tại phường Thọ Quang, Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Để phục vụ cho hoạt động lưu trữ và công bố thông tin công khai về tre trúc các vùng miền Việt Nam, đề tài xây dựng Website Tre Việt là nơi lưu trữ thông tin của 100 loài tre, trúc. 

Trước khi nghiệm thu, ban chủ nhiệm đề tài cũng đã tổ chức các hội thảo khoa học như  “Phương án di thực, nhân giống, bảo tồn và mô hình tre trúc tại công viên văn hoá chuyên đề tre Việt” và hội thảo khoa học “Tham vấn ý kiến về các loài tre, trúc di thực và trồng tại công viên văn hoá chuyên đề tre Việt” với mục tiêu thảo luận với các chuyên gia và các đơn vị liên quan về những giải pháp tối ưu trong việc di thực các loài tre trúc về Quận Sơn Trà.

Với kết quả: 

  • Đã xây dựng được bộ tiêu chí để chọn các loài tre trúc có khả năng mang về trồng tại thành phố Đà Nẵng để cung ứng nguồn giống trong tương lai cho công viên văn hóa chuyên đề Tre Việt.
  • Kết quả thí nghiệm nhân giống 5 loài tre lớn miền Bắc cho thấy có khả năng thích nghi với điều kiện tiểu khí hậu ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
  • Chọn ra được 30 loài tre trúc theo thứ tự ưu tiên để di thực về thành phố Đà Nẵng.
  • Tỉ lệ sống của 30 loài tre, trúc sau trồng 3 tháng đạt khá cao, nhiều loài có tỉ lệ sinh măng cao đạt từ 50% – 70%.
  • Đã thiết kế 03 phương án trồng tre, trúc làm cảnh quang, địa điểm đường Trần Nguyên Hãn, khu vực Kênh Suối Đá. Đồng thời đã chuẩn bị thêm 03 phương án trồng tre, trúc tại đường Đặng Nhữ Lâm.
  • Đã đề xuất Quy trình kỹ thuật nhân giống tre trồng tại quận Sơn Trà và Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc tre, trúc tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
  • Đã đề xuất một số phương pháp nhằm đẩy mạnh bảo tồn tre, trúc.

Kết quả, các thành viên Hội đồng nghiệm thu và phản biện đều có chung đánh giá sản phẩm của đề tài đảm bảo yêu cầu về mục tiêu nghiên cứu. Đề tài được thực hiện nghiên cứu công phu. Đề tài có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thúc đẩy, phát triển xây dựng danh mục các loài tre trúc của các vùng miền tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng góp ý cho nhóm thực hiện đề tài bổ sung thêm một số nội dung khoa học, sắp xếp lại cấu trúc, bố cục để báo cáo kết quả đề tài đạt chất lượng tốt hơn.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng TS. Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng –  đã tổng hợp ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, đánh giá cao nỗ lực của đơn vị thực hiện đề tài và đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo đề tài theo góp ý của Hội đồng. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu.

Hình ảnh tại buổi nghiệm thu:

Một số thông tin về đề tài vừa nghiệm thu:

Nhiệm vụ: Di thực một số loài tre, trúc phục vụ cho Công viên văn hóa chuyên đề Tre Việt

Cơ quan chủ quản: Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng 

Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Đông Á

Chủ nhiệm đề tài: TS. Trần Ngọc Thanh - Quyền Viện trưởng Viện Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Nguyên – Trực thuộc trường Đại học Đông Á

Thư ký đề tài: TS. Phan Thu Thảo - Trưởng Khoa Thực phẩm Trường Đại học Đông Á

Mục tiêu chung:

  • Lập danh mục các loài tre, trúc của các vùng miền Việt Nam.
  • Lập danh sách các loài tre trúc có khả năng di thực để trồng tại Công viên văn hóa chuyên đề Tre Việt – Quận Sơn Trà
  • Đề xuất phương án di thực, nhân giống, bảo tồn các loài tre trúc và mô hình các loài tre trúc tại Công viên văn hóa chuyên đề Tre Việt.

Tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu: Đề tài đóng góp thực tiễn về lĩnh vực nghiên cứu khoa học về các ứng dụng của cây tre, trúc ở nước ta. Việc tìm kiếm các nguồn gen và lưu trữ cũng các loài tre trúc tự nhiên sẽ làm cho đa dạng sinh học về loài tre trúc được bảo tồn bền vững. Việc nhân giống cây và trồng ở các khu vực công cộng cũng sẽ làm cho cảnh quan của khu vực được xanh tươi, có sức hút với khách du lịch trong và ngoài nước. Đề tài được triển khai cũng góp phần không nhỏ năng cao năng lực nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu cũng như các nhà khoa học trong và ngoài nước về các loài tre, trúc. Nhóm nghiên cứu trên cơ sở tiếp thu các kinh nghiệm và kỹ thuật nghiên cứu khoa học tiên tiến về gen, nhân giống, nuôi trồng khoa học và hiệu quả. Đội ngũ các nhà khoa học tham gia đề tài đều được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế cũng được đánh giá là một trong những đội ngũ các nhà khoa học có kinh nghiệm lâu năm trong nghiên cứu về thử nghiệm sinh học và lâm nghiệp, nông nghiệp và cây thuốc, cây trồng tự nhiên do vậy đây cũng đảm bảo cho việc triển khai thành công đề tài trong tương lai..