Xây dựng văn hóa liêm chính: Một nan đề của khoa học Việt Nam

Ẩn danh và công khai, phản biện trên mạng xã hội và bàn nghị sự, rút cục có đi đến cùng một cái đích, xây dựng văn hóa liêm chính ở Việt Nam?

Được thành lập mới vài năm trước trên Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam, đến nay, trang Liêm chính khoa học đã thu hút 82.500 thành viên, phần đa là các nhà khoa học làm việc trong các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Dẫu có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau khi phân tích, mổ xẻ các trường hợp bị nghi ngờ vi phạm liêm chính của trang Liêm chính khoa học nhưng công bằng mà nói, chính những hoạt động đó đã góp phần dấy lên những tiếng nói lo ngại về tình trạng vi phạm liêm chính của khoa học Việt Nam. “Phản biện là một điều tốt trong khoa học mà”, một nhà khoa học từng làm việc tại một viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, nhận xét.

Không phải ở thời điểm này, vấn đề vi phạm liêm chính khoa học mới được thổi bùng lên ở Việt Nam. Từ năm 2010, dư luận từng xôn xao về sự tồn tại của trang giaosudom.wordpress.com, một địa chỉ mà ngay từ khi ra đời cũng tạo ra nhiều luồng quan điểm trái ngược nhau về việc “phong dỏm”, “phản cảm”… cho những người được cho là không đủ điều kiện được phong danh hiệu giáo sư, phó giáo sư. 

Có lẽ, những người trong cuộc chiến chống lại sự vi phạm liêm chính trong lòng khoa học Việt Nam đang vận dụng “thứ vũ khí” phổ biến của thời đại là mạng internet nhằm kêu gọi sự chú ý của công luận và đòi hỏi sự minh bạch, công khai trong khoa học để có thể góp phần xây dựng văn hóa liêm chính. Đó cũng là cách nhiều nhà khoa học Trung Quốc áp dụng khi xây dựng trang web New Threads (xys.org) vào năm 2001, một nhân tố quan trọng góp phần dẫn đến cuộc cải cách của khoa học Trung Quốc gần một thập niên sau.

Cuộc chiến chống lại những hành động phi liêm chính trong khoa học Việt Nam liệu có đi đến thành công như Trung Quốc? Và để xây dựng một nền văn hóa liêm chính vững chắc thì những nhân tố gì là quan trọng? 

Một thực tại ngổn ngang

Hơn hai thập niên trước, trên nhiều diễn đàn và cả trên Tia Sáng, những câu chuyện về quản lý khoa học, đánh giá khoa học… đã được sôi nổi đề cập tới với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học tâm huyết ở trong và ngoài nước. Nhớ về thời kỳ đó, GS. Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) không khỏi cảm thấy u hoài bởi mình đã dành rất nhiều thời gian, lẽ ra chỉ để tập trung vào nghiên cứu thì rút cục phải chia sẻ để có thể vận động lên án những hành vi sai trái, trong đó có một lá thư gửi thẳng cho Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong và sau được đích thân ông chuyển tới Tia Sáng để được đăng tải rộng rãi. 

Dù thời gian đã trôi qua và đã tới tuổi nghỉ hưu theo chế độ, GS. Phạm Đức Chính vẫn giữ được sự tâm huyết đối với khoa học Việt Nam, nơi ông và rất nhiều đồng nghiệp chung chí hướng ở trong Nam ngoài Bắc vẫn mong muốn có được sự minh bạch, trung thực và khả tín. Tuy nhiên đã xuất hiện sự lo âu trong cái nhìn của ông khi nhìn vào bức tranh hiện trạng khoa học Việt Nam với những gam màu sáng tối. “So với 20 năm trước, khi chúng tôi vận động áp dụng tiêu chí công bố quốc tế, tình hình đã khác nhiều. Bây giờ, sự vi phạm liêm chính khoa học rất đa dạng hình thái. Mặt khác, không chỉ Việt Nam mà nhiều nền khoa học đang phát triển và hội nhập trên thế giới cũng ở chung tình trạng đó”, ông nói.

Thực vậy, sự biến chuyển của xã hội nói chung và bức tranh học thuật Việt Nam nói riêng đã khiến câu chuyện vi phạm liêm chính khoa học ngày nay khác trước rất nhiều. Thông thường, khi nghĩ về vấn đề này, người ta vẫn nghĩ đến các cách làm phổ biến như đạo văn, sao chép/nhân bản nghiên cứu hoặc tạo ra những nghiên cứu khoa học không thể kiểm chứng. “Hình thức vi phạm ngày một phức tạp và tinh vi hơn. Chỉnh sửa số liệu đã là hình thức cổ điển từ mấy chục năm nay rồi. Với sự phát triển của công nghệ và AI, đã sinh ra nhiều hình thức gian lận mới, thành lập mạng lưới, hệ thống cấu kết với nhau từ tác giả, chuyên gia bình duyệt, tổng biên tập [của các tạp chí khoa học chuyên ngành]…”, TS. Dương Tú (ĐH Purdue), một trong những admin của trang Liêm chính khoa học, trao đổi tại hội thảo Khoa học về Liêm chính nghiên cứu, do Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT tổ chức tại ĐH Bách khoa HN vào ngày 19/12/2023.

Điều mà các nhà khoa học trong nước như GS. Phạm Đức Chính và đồng nghiệp trong và ngoài Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam lo ngại cũng chính là sự phức tạp của các hình thức vi phạm. Có rất nhiều cách thức khác nhau để một số nhà nghiên cứu tận dụng “lách luật”, ví dụ ngay từ ý tưởng nghiên cứu đã thể hiện sự thiếu nghiêm túc, thậm chí sự cố tình tạo ra cái mà theo PGS. TS Nguyễn Tài Đông, Viện Triết học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Phó chủ tịch Hội đồng liên ngành Triết học, Xã hội học, Chính trị học NAFOSTED, gọi là “tri thức rác”. “Tôi xin lấy ví dụ Hội đồng ngành triết học, xã hội học, chính trị học họp rất căng. 24 đề tài chúng tôi không biết có thông qua được 40% hay không. Vì sao như vậy? Vì có những đề tài chúng tôi gọi là student paper (dạng bài báo cáo kết quả) thì trong khoa học rất có thể xuất hiện cái gọi là student project (dạng dự án báo cáo kết quả)”. Hệ quả của nó, theo nhận xét của anh, “chúng ta tạo ra tri thức rác, chúng ta ngập trong tri thức ngụy khoa học và không tìm thấy khoa học chân chính”.

Tạo ra tri thức rác cũng chỉ là một trong số rất nhiều hình thức vi phạm liêm chính. Trong những năm gần đây đã có nhiều bàn tán xôn xao về chuyện “bán bài” nghiên cứu. Một nhà nghiên cứu ở một trường đại học ngoài công lập tại TP.HCM lưu ý, ở đây có hai hình thức “bán bài” chủ yếu: một là bán “chất xám”, nghĩa là vẫn còn tên của mình trong công bố và ghi thêm địa chỉ của trường/viện nơi “mua bài”; hai là “mua đứt, bán đoạn” và trở thành “tác giả ma” (ghost author). Câu chuyện một số công bố của PGS. TS Đinh Công Hướng khi còn làm việc ở ĐH Quy Nhơn nhưng ghi danh ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Thủ Dầu Một được nêu lên rất nhiều trong thời gian qua thuộc về hình thức thứ nhất. Câu chuyện tác giả ma ở Việt Nam cũng không hẳn ít nhưng để bóc tách thì lại không đơn giản và mất nhiều công sức. 

Cũng như chia sẻ của GS. Phạm Đức Chính và TS. Dương Tú, tình trạng vi phạm liêm chính không chỉ gói gọn ở Việt Nam mà còn liên quan đến những đường dây quốc tế với những mắt xích quan trọng ở nước ngoài, bao gồm những “nhà thầu”, “đầu nậu” rao bán bài báo (theo Science, có những trang của Nga rao bán bài xuất bản trên tạp chí danh tiếng với con số 5.000 USD), những tạp chí “săn mồi”, “ăn thịt” chuyên nhận đăng các bài báo không qua bình duyệt, hoặc nếu có bình duyệt thì chỉ qua loa, đại khái và đòi hỏi mức phí xuất bản rất cao. TS. Minh-Hà Dương trong bài viết cho Tia Sáng vào tháng 5/2023 cho biết, có hơn 15.500 tạp chí săn mồi còn các hội nghị săn mồi có thể còn phổ biến hơn các hội nghị nghiêm túc. Đáng ngại hơn, “các hoạt động học thuật săn mồi từng xảy ra chủ yếu ở châu Phi và châu Á, nhưng giờ đây xuất hiện trên toàn thế giới, ngay cả ở Hoa Kỳ và châu Âu”. 

Một nhà nghiên cứu ở Đại học KH&CN Hà Nội (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nhận xét, vài năm trở lại đây, số lượng bài báo của các nhà khoa học Việt Nam xuất bản trên tạp chí của nhà xuất bản MPDI gia tăng phi mã. “Mặc dù không phải tạp chí nào của MPDI cũng có chất lượng thấp nhưng rõ ràng, với một nhà khoa học nghiêm túc thì việc đăng bài trên tạp chí của một nhà xuất bản tai tiếng cũng là điều không nên”, anh nói. Đây cũng là điều trăn trở của các nhà nghiên cứu kỳ cựu. Trong phiên họp của NAFOSTED vào tháng 8/2023, GS. Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nói đau xót “Tôi theo dõi các thống kê ở trên các cơ sở dữ liệu thì thấy rằng, lượng công bố quốc tế ở Việt Nam trên các tạp chí ‘ăn thịt’ như thế này là bùng nổ và bây giờ nó không phải chỉ ở những trường đại học nhỏ nữa mà lan ra khắp nhiều cơ quan nghiên cứu, thậm chí tôi nói là lan sang cả Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam”.

Ma trận vi phạm liêm chính khoa học ở Việt Nam giờ khiến người ta không còn có thể giả bộ ngó lơ. Nhưng theo GS. TS Phạm Đức Chính, vấn đề ở đây là bức tranh không chỉ có hai màu trắng đen rõ ràng mà còn rất nhiều vùng xám ở giữa, rất khó phân định. 

Ma trận vi phạm liêm chính khoa học ở Việt Nam giờ khiến người ta không còn có thể giả bộ ngó lơ. Nhưng vấn đề ở đây là bức tranh không chỉ có hai màu trắng đen rõ ràng mà còn rất nhiều vùng xám ở giữa, rất khó phân định, GS. Phạm Đức Chính nói. 

Đâu là nguyên nhân?

Trong các cuộc tranh luận về vi phạm liêm chính, dù trực tuyến hay trực diện, thì một trong những câu hỏi dai dẳng bậc nhất là “vì sao lại dẫn đến cơ sự này”? 

Có lẽ, một trong những lý giải phổ biến là hệ thống đánh giá của Việt Nam đã lỗi thời khi chỉ dựa trên số lượng bài báo. Nhưng không phải bây giờ, khi vấn đề vi phạm liêm chính được dấy lên thì người ta mới nhắc đến cách đánh giá này. “Khi NAFOSTED mới đặt yêu cầu tiêu chí nghiệm thu là mỗi đề tài do Quỹ tài trợ phải có hai bài báo quốc tế, tôi đã nghĩ đến khả năng sẽ có những bài xuất bản trên các tạp chí tầm tầm ở ranh giới của tạp chí trung bình và tạp chí chất lượng thấp”, GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) từng trao đổi trong phiên họp tổng kết hoạt động của Quỹ vào năm 2016. 

Tại hội thảo chính thức đầu tiên về liêm chính ở quy mô quốc gia, TS. Dương Tú cũng đề cập đến vấn đề của hệ thống đánh giá mà anh quan sát ở Việt Nam: các chỉ số H-index, hệ số ảnh hưởng, số lượng trích dẫn… được coi là quan trọng để đánh giá nhà khoa học và nghiên cứu của họ nên mới sinh ra sự lạm dụng. “Những chỉ số này từ chỗ là công cụ để đánh giá nghiên cứu đã trở thành mục đích: người ta chạy theo chỉ số trích dẫn, chạy theo số lượng công bố, chứ không đi theo mục đích ban đầu như phụng sự xã hội nữa. Nhiều chuyện sai trái [vì thế đã được] sinh ra”, anh nói.

Tuy nhiên công bằng mà nói, ở thời điểm mới thành lập NAFOSTED và thiết lập các quy định về việc đánh giá các hồ sơ đề xuất cũng như kết quả đầu ra của các đề tài do Quỹ tài trợ, việc phải có công bố quốc tế là một tiêu chí khách quan để đánh giá. “Thực ra ban đầu, tiêu chí chọn tạp chí ISI đã tốt rồi, sau đó Quỹ còn loại bỏ nửa dưới của danh mục tạp chí, chỉ lấy ¼ số tạp chí bên trên. Ở Việt Nam giai đoạn đó cần phải minh bạch [trong đánh giá] nên Quỹ cần tiêu chí cứng một chút”, TS. Đỗ Tiến Dũng, nguyên Giám đốc NAFOSTED nói. Việc lấy tiêu chí công bố quốc tế thì bao giờ cũng dễ làm và dễ áp dụng hơn là tiêu chí chất lượng nghiên cứu. Đây là điểm mà sau này, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đã tìm mọi cách tận dụng, khi làn sóng về công bố quốc tế từ các đề tài do NAFOSTED tài trợ lan tỏa sang các trường, viện. “Ở đâu người ta cũng nói đến công bố quốc tế và coi đó là điểm quan trọng để đánh giá thi đua, bình bầu danh hiệu vào cuối năm”, GS. Nguyễn Ngọc Châu ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), nói trong một tọa đàm do Tia Sáng tổ chức vào năm 2019. 

Theo dòng thời gian, khi khoa học Việt Nam đã từng bước hội nhập quốc tế và việc xuất bản đã thành nếp thì từ chỗ phải chật vật để có công bố quốc tế, các nhà khoa học đã không còn quá khó khăn để xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành. Hiện trạng này không chỉ tồn tại ở các lĩnh vực khoa học tự nhiên mà cả ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nơi kể từ một vài năm trở lại đây đã có yêu cầu xuất bản quốc tế, không chỉ ở Quỹ NAFOSTED mà còn ở nhiều nơi khác. Đó là lý do mà PGS. TS Phạm Phương Chi ở Viện Văn học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) nhận xét “Năm 2019, khi Quỹ xác định tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus thì có người lách luật, cứ [xuất bản bài] trên các tạp chí [dẫu là] ISI, Scopus [nhưng chỉ tồn tại] trong một thời gian ngắn [để] lọt qua được hội đồng xét duyệt”. 

Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng không kém là việc đề ra các tiêu chí đánh giá trong lĩnh vực xã hội và nhân văn chưa phản ánh đúng bản chất khoa học của nó, điều khiến cho “lĩnh vực này bị nói nhiều nhất, được thảo luận nhiều nhất nhưng lại vướng nhiều nhất” như lời chia sẻ của GS. Hoàng Anh Tuấn (Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN). Theo phân tích của anh, điều vướng mắc nhất là ở chỗ một số khái niệm về bài báo khoa học nằm trong các nghị định và thông tư hướng dẫn đã bị hiểu không đúng. “Bài báo khoa học hiện nay đang căn bản được định nghĩa là tạp chí. Thực ra, đây là định nghĩa cần [được] chỉnh lại. Theo tôi, bài báo khoa học là sản phẩm khoa học được đăng tải trên tạp chí hoặc sách, chương sách như chúng ta nói”, anh phân tích. “Sự thực là việc để tình trạng này kéo dài lâu quá cũng ảnh hưởng rất nhiều đến đánh giá khoa học”, và ngay cả nhà nghiên cứu nghiêm túc cũng buộc phải ghì chạy theo để đạt yêu cầu nghiệm thu đề tài.  

Nếu nhìn toàn cảnh bức tranh xuất bản học thuật của Việt Nam với cả những vùng tối, vùng xám chồng lấn, có thể thấy nguồn gốc của muôn hình vạn trạng vi phạm liêm chính là muôn hình vạn trạng nguyên nhân. Theo kết quả một cuộc khảo sát quy mô nhỏ ở ĐH Bách khoa HN của PGS. Trương Việt Anh, có thể rút ra bốn nguyên nhân chính khiến một cá nhân vi phạm liêm chính là áp lực về số lượng công bố; tạo cơ hội thăng tiến; cam kết khi nhận các nguồn tài trợ; và áp lực từ nhu cầu kinh tế. Có lẽ, áp lực kinh tế là nỗi đau xót của rất nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam. Trong những cuộc trả lời báo giới, PGS. Đinh Công Hướng đã giãi bày về lỗi lầm của mình “Đời mình lớn lên từ củ khoai, củ sắn. Mình được như thế này, chỉ mong muốn đời con mình sẽ [được] cải thiện. Để kiếm tiền, cải thiện kinh tế, tôi cũng chỉ biết lấy từ năng lực, chất xám của mình”. 

Có bốn nguyên nhân chính khiến một cá nhân vi phạm liêm là áp lực về số lượng công bố; tạo cơ hội thăng tiến; cam kết khi nhận các nguồn tài trợ; và áp lực từ nhu cầu kinh tế, theo kết quả một cuộc khảo sát quy mô nhỏ ở ĐH Bách khoa HN của PGS. Trương Việt Anh.

Trường hợp của PGS. Đinh Công Hướng, hay những nhà nghiên cứu cùng cảnh ngộ, cũng được GS. Trương Nguyện Thành (ĐH Utah) chia sẻ trên Thanh Niên, “[Thực ra] tài sản trí tuệ và tất cả những gì làm ra liên quan đến vị trí giáo sư của tôi đều là tài sản trí tuệ của trường. Việc tôi viết bài báo khoa học thì trách nhiệm của tôi với tài sản trí tuệ đó là nêu danh đơn vị mà tôi làm việc. Nhưng ở Việt Nam thì sao? Nếu tôi không đảm bảo cuộc sống cho vợ con tôi thì tôi cũng phải tìm cách để có thu nhập, cách tốt nhất, nếu tôi là người làm khoa học giỏi thì tôi cũng phải làm cái mà tôi làm tốt nhất…” 

Nhưng nếu nhìn vào quy mô lớn, hay góc độ của một cơ sở nghiên cứu và đào tạo, việc chạy theo số lượng bài báo để thêm thành tích hay tăng vị trí trên bảng xếp hạng đại học với công bố từ những công trình kém chất lượng hoặc từ hoạt động “mua bán bài” đã làm méo mó môi trường học thuật và đánh giá học thuật. “Để giành thắng lợi trong cuộc chơi xếp hạng, các cơ sở nghiên cứu cố gắng đạt điểm cao về số liệu, việc đánh giá phụ thuộc vào bảng xếp hạng vào dữ liệu trắc lượng tạo động cơ khuyến khích các nơi này liên kết với các nhà nghiên cứu nổi tiếng chủ yếu làm việc ở nơi khác. Áp lực này càng tăng lên trong thời gian chuẩn bị cho các hoạt động đánh giá và cải cách tài trợ, khi các tổ chức nghiên cứu mong muốn có được mọi xuất bản bổ sung”, các nhà nghiên cứu viết trên trang web của Trường Kinh tế và KH chính trị London, đồng thời chỉ ra nơi hay xảy ra hiện tượng này như Chile, Trung Quốc, Arab Saudi, Nga… 

Đi tìm giải pháp

Thứ trưởng Trần Hồng Thái phát biểu kết luận Hội thảo đầu tiên về liêm chính ở Việt Nam do Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT tổ chức.

Vấn đề vi phạm liêm chính học thuật được đề cập một cách công khai trong một hội thảo do Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT tổ chức cũng là chỉ dấu cho thấy, các nhà quản lý mong muốn có được những giải pháp rốt ráo. Việc NAFOSTED đồng ý mời TS. Dương Tú, admin của trang Liêm chính khoa học, tham gia hội thảo cũng là cách thể hiện tinh thần cầu thị trong cuộc chiến bảo vệ liêm chính.

Nhưng không dễ có được câu trả lời cho vấn đề này, bởi nói như GS. Nguyễn Đình Đức (ĐHQGHN), “mình bây giờ mới ở thuở hồng hoang về liêm chính”. Với một lịch sử phát triển khoa học còn chưa dài so với nhiều quốc gia khác, Việt Nam còn chưa thực sự coi trọng và tuân thủ những quy định về thực hành liêm chính, chống đạo văn. “Năm 2006, khi tôi làm nghiên cứu sinh ở phương Tây, thầy hướng dẫn tròn mắt khi biết tôi không được học bài bản về phương pháp nghiên cứu khoa học. Giờ sau 15 năm, tôi thấy rằng ở Việt Nam, việc làm thế nào để nghiên cứu khoa học một cách chuyên nghiệp thật khó”, GS. Nguyễn Xuân Hùng (ĐH Công nghệ TP.HCM) nói. 

Nếu nhìn vào quy mô lớn, hay góc độ của một cơ sở nghiên cứu và đào tạo, việc chạy theo số lượng bài báo để thêm thành tích hay tăng vị trí trên bảng xếp hạng đại học với công bố từ những công trình kém chất lượng hoặc từ hoạt động “mua bán bài” đã làm méo mó môi trường học thuật và đánh giá học thuật.

Trong bối cảnh rối bời như vậy, những mổ xẻ, bóc tách trên mạng xã hội, dù cũng có ảnh hưởng tích cực khi lột trần cái xấu nhưng cũng làm rộ lên nghi ngờ về trường hợp nọ, trường hợp kia “bán bài”, “mua bài”, “trích dẫn ảo”…, trong khi chưa có đủ bằng chứng. Một nhà nghiên cứu ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, đã có trường hợp tung tin gây chia rẽ nội bộ những người đấu tranh cho liêm chính. Chỉ cần nhỏ một giọt nghi ngờ vào cốc nước đang sôi sùng sục đã đủ để thay đổi nó. Do vậy, thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái, người tham gia chủ trì cuộc họp đầu tiên về liêm chính, đã lên tiếng “câu chuyện vi phạm liêm chính động chạm đến các nhà khoa học, nhà giáo là đội ngũ trí thức rất nhạy cảm nên khi chưa có minh chứng rõ ràng thì [chúng ta] không nêu tên cụ thể để tránh ảnh hưởng đến cá nhân và tập thể”. 

Dẫu vậy, cũng có một số điểm tích cực đang ló rạng. Mặc dù mới đang ở giai đoạn đầu của cuộc chiến bảo vệ liêm chính nhưng NAFOSTED, nơi được thành lập theo mô hình của Quỹ khoa học Thụy Sĩ, đã ban hành một văn bản quy định về Liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các nhiệm vụ KH&CN do Quỹ tài trợ từ ngày 15/2/2022, dựa trên Tuyên bố Singapore và góp ý của các nhà khoa học Việt Nam.

Không riêng gì quyết định của NAFOSTED, ở Việt Nam đã có một số văn bản khác liên quan đến liêm chính học thuật, ở cấp Bộ như nghị định, thông tư của Bộ GD&ĐT ban hành trong các năm từ 2017 đến 2022 đến cấp trường như ĐHQGHN, ĐH Công nghệ TP.HCM… Một số trường của ĐHQGHN, ĐH Kinh tế TP.HCM… cũng bắt đầu sử dụng các công cụ phát hiện đạo văn như DoIT, Turnitin đối với các luận văn và bài báo của trường, như chia sẻ của GS. Hoàng Anh Tuấn “Liêm chính học thuật về giáo dục được đặt ra trong các văn bản quy định của nhà trường, chưa đến mức thành quy chế độc lập nhưng lồng ghép vào trong các yêu cầu về đào tạo giáo dục rất rõ. Ví dụ từ năm 2017, luận án tiến sĩ đã được quét trùng lặp, sau mở rộng ra quét luận văn thạc sĩ và bây giờ đến khối đại học. Sản phẩm của các nhà khoa học nhận kinh phí tài trợ của nhà trường là quét, bài báo trong tạp chí của nhà trường là quét, thế còn quét đến đâu thì chúng ta biết rồi, các phần mềm nó cũng vô cùng lắm và không phải lúc nào cũng bao phủ hết được tất cả mọi thứ”. 

Dù biết “đạo cao một thước, ma cao một trượng” nhưng cuộc đấu bảo vệ cái đúng, bảo vệ liêm chính vẫn đang từng bước nỗ lực. Trong một bức thư trao đổi với cộng đồng khoa học vào tháng 11/2021, GS Phạm Đức Chính cho biết, Hội đồng Giáo sư nhà nước ngành Cơ học năm 2020 đã loại một số ứng viên liên quan tới các vụ việc “bán bài”, làm việc ở cơ quan này nhưng ghi địa chỉ cơ quan khác… Hội đồng NAFOSTED ngành Cơ học cũng lưu ý tới các vấn đề liên quan tới liêm chính khoa học trong nghiệm thu đề tài, và nhất là khi xét duyệt đề tài mới. Hội đồng cũng không nghiệm thu bài báo ghi địa chỉ khác nơi làm việc theo đăng ký với Quỹ, trừ phi chủ trì chuyển cơ quan trong thời gian thực hiện. Đáng chú ý, “một đồng nghiệp ở trường đại học X (một nơi tai tiếng về mua bán bài báo) cho biết, hiện họ không còn trả tiền cho người viết báo thuê từ các nơi khác nữa?!”. 

“Về liêm chính khoa học của chúng ta, tôi rất mong có một bộ quy tắc chung để từ đó chiếu về các trường và các trường có thể xây dựng được bộ quy tắc phù hợp với mình. Nhờ đó, các trường sẽ thực hiện và có quy trình giám sát liêm chính. Cuối cùng, chúng ta sẽ có một quy trình hậu kiểm và một chế tài xử lý vi phạm liêm chính theo một cái nghĩa nào đó”

GS. Nguyễn Xuân Hùng

Sự tuyên chiến này vẫn còn ở giai đoạn khởi điểm. Để ngăn chặn sự lây lan của một căn bệnh truyền nhiễm, điều người ta cần là một bộ công cụ thống nhất. Bộ khung quy định tổng thể ấy là điều khao khát của các nhà khoa học nghiêm túc bởi nó sẽ giúp những ai còn chưa hiểu rõ về liêm chính tránh phạm phải sai lầm, đồng thời phát tín hiệu cảnh báo những ai cố tình vi phạm. “Về liêm chính khoa học của chúng ta, tôi rất mong có một bộ quy tắc chung để từ đó chiếu về các trường và các trường có thể xây dựng được bộ quy tắc phù hợp với mình. Nhờ đó, các trường sẽ thực hiện và có quy trình giám sát liêm chính. Cuối cùng, chúng ta sẽ có một quy trình hậu kiểm và một chế tài xử lý vi phạm liêm chính theo một cái nghĩa nào đó”, GS. Nguyễn Xuân Hùng đề xuất.

Nhưng có lẽ, để xây dựng được văn hóa liêm chính thực sự, môi trường khoa học ở Việt Nam còn rất nhiều điểm cần được bồi đắp. Vấn đề không chỉ là thay đổi một hệ thống đánh giá không dựa theo số lượng nữa hay chữa trị căn bệnh chạy theo thành tích cố hữu mà còn rất nhiều khuyết thiếu trong cơ chế quản lý khoa học đang khiến các nhà nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu trong nước phải chật vật với nghề, thể hiện trong quan điểm về đầu tư cho khoa học chưa sát với bản chất khoa học, không chấp nhận rủi ro, việc áp dụng cơ chế tự chủ – tự chịu trách nhiệm một cách khiên cưỡng… Ở cấp độ tổ chức, các cơ sở nghiên cứu ở Việt Nam đang lâm vào tình trạng chảy máu chất xám, mất dần cơ hội tuyển được người làm nghiên cứu tốt trong khi phải chịu một khung quản lý ngày một chặt chẽ hơn về mặt tài chính, một chủ trương chung về tinh giản biên chế, một chế độ đãi ngộ kém hấp dẫn… Ở cấp độ cá nhân, các nhà nghiên cứu phải vật lộn để cân bằng giữa các yêu cầu về thủ tục tài chính còn nhiều bất cập và việc phải có được công bố đạt chất lượng trong khung thời gian cho trước. 

Có rất nhiều vấn đề được đặt ra, tưởng chừng xa xôi nhưng thật ra lại liên đới chặt chẽ, như chia sẻ trên Nature của GS. Wei Yang, Giám đốc Quỹ KH Trung Quốc, khi về sự tồn tại của ốc đảo liêm chính giữa xã hội chuyển động nhiều chiều vào thời điểm Trung Quốc bắt tay vào bảo vệ liêm chính “Thật khó khăn để xây dựng liêm chính học thuật nếu như trong những khía cạnh khác của cuộc sống vẫn còn nhiều điều đáng nghi ngờ về tính liêm chính”. 

“Thật khó khăn để xây dựng tính liêm chính học thuật nếu như trong những khía cạnh khác của cuộc sống vẫn còn nhiều điều đáng nghi ngờ về tính liêm chính”

GS Wei Yang

Và còn dấy lên rất nhiều câu hỏi khác, mà sát sườn nhất là cách nào đảm bảo thu nhập để nhà nghiên cứu có thể yên tâm sống bằng nghề? làm sao để không còn xảy ra những trường hợp như PGS. Đinh Công Hướng? Có lẽ, ai cũng ngậm ngùi “Đau đớn thay cho những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất” (Nam Cao, Sống mòn).

Nhưng dĩ nhiên, người ta không thể tự sống mãi trong cái tồi tệ được. “Thực sự bây giờ ngành khoa học và giáo dục là sự lựa chọn nghề nghiệp rất khó khăn”, GS. Nguyễn Xuân Hùng nói. “Do đó, tôi hy vọng là chúng ta có được tình yêu thực sự trong nghiên cứu, chúng ta chia sẻ và đóng góp thẳng thắn với cộng đồng để cuối cùng, với tinh thần xây dựng có được một bộ quy tắc ứng xử chung. Từ đó, chỉ cần ai đó làm sai một quy tắc thì mọi chuyện đã hiển thị là một sự lựa chọn sai”.

Vậy ở Việt Nam, giải pháp nào khả thi? Liệu có phải là tạo dựng một tổ chức về liêm chính như kinh nghiệm quốc tế? Thay đổi hệ thống đánh giá dựa vào chất lượng nghiên cứu? Một nhà quản lý ở Bộ KH&CN cho biết, nếu việc đánh giá dựa vào chất lượng đang được bước đầu áp dụng ở NAFOSTED nhưng việc thành lập một tổ chức mới như kỳ vọng không khả thi trong bối cảnh tinh giản biên chế ở Việt Nam. Dẫu vậy, anh cho rằng, cần có khảo sát như lời chia sẻ của GS. Phùng Hồ Hải (Viện Toán học) để hiểu được tình trạng vi phạm liêm chính ở Việt Nam như thế nào trước khi đi đến việc áp dụng các giải pháp rốt ráo.

Ở góc độ một người từng tuyên chiến với sự trì trệ trong khoa học, GS. Phạm Đức Chính thì bi quan hơn (hay thực tế hơn?) “Việt Nam bây giờ khó lắm, quyền lợi nó chằng chịt, có khách quan đâu. Quyền lợi của nhà khoa học, quyền lợi của nhà quản lý đan xen với nhau ở đó, nhiều vấn đề lắm”… 

Hơn 20 năm trước, những nhà khoa học tiến bộ với sự ủng hộ của các gương mặt đầu ngành như GS. Hoàng Tụy, GS. Phạm Duy Hiển, GS. Nguyễn Văn Chiển… đã thúc đẩy một cuộc vận động đổi mới khoa học Việt Nam, đặt ra một lằn ranh phân định giữa cơ chế quản lý cũ và mới, giữa môi trường khoa học chỉ tuân theo những tiêu chí của riêng mình và môi trường hội nhập theo tiêu chuẩn quốc tế. Giờ đây, có lẽ, trước khi có được một hệ thống chính sách như kỳ vọng, người ta chỉ còn biết đặt niềm tin vào những con người như thế, trong cuộc đấu tranh bảo vệ liêm chính ở Việt Nam. □

———————————

Tài liệu tham khảo

https://www.nature.com/articles/441392a

https://www.science.org/content/article/russian-website-peddles-authorships-linked-reputable-journals

https://blogs.lse.ac.uk/impactofsocialsciences/2021/05/21/the-global-rise-in-academic-authors-reporting-multiple-institutional-affiliations-reflects-the-unanticipated-influence-of-research-assessment-on-academia/

https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/chong-lai-tap-chi-san-moi-cuoc-chien-dai-dang/

https://www.science.org/content/article/russian-website-peddles-authorships-linked-reputable-journals

https://blogs.lse.ac.uk/impactofsocialsciences/2021/05/21/the-global-rise-in-academic-authors-reporting-multiple-institutional-affiliations-reflects-the-unanticipated-influence-of-research-assessment-on-academia/

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng