Khoa học vẫn đang chạy đua để nghiên cứu về các hạt nhựa bé tí trong một mẫu vi nhựa trong phòng thí nghiệm – và trong cơ thể chúng ta, với những lo ngại hiện hữu.
Khi chất thải nhựa đang dần chất đống khắp mọi nơi thế giới, một câu hỏi cốt yếu vẫn còn chưa được trả lời: nó sẽ gây hại những gì và nếu có thì nó có là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe con người?
Dunzhu Li, một kỹ sư môi trường, thường dùng lò vi sóng để hâm nóng bữa trưa trong một hộp đựng đồ ăn bằng nhựa. Nhưng Li đã dừng làm điều này khi anh cùng với đồng nghiệp thực hiện một khám phá sững sờ: những chiếc hộp nhựa đựng bữa trưa đã rụng vô số những hạt bé xíu – vi nhựa – vào nước nóng. “Chúng tôi đã bị sốc”, Li nói. Những chiếc ấm đun nước và bình sữa trẻ em cũng rụng lả tả các vi nhựa. Li và các nhà nghiên cứu khác, tại Trinity College Dublin, nêu điều này trong một công trình xuất bản vào tháng 10/2021. Nếu các bậc cha mẹ khi chuẩn bị sữa cho con lắc lắc sữa bột với nước nóng trong một bình nhựa, con của họ có thể phải đón nhận khoảng một triệu hạt vi nhựa mỗi ngày, nhóm nghiên cứu tính toán ra.
Những gì mà Li và những nhà nghiên cứu khác vẫn còn chưa biết là liệu chúng có nguy hiểm hay không. Mọi người đều ăn và hít phải cát, bụi và không rõ là liệu một chế độ ăn có cả nhựa có làm nguy hại đến sức khỏe hay không. “Phần lớn những gì bạn ăn đều đi thẳng đến dạ dày và đi ra ngoài cơ thể ở đầu kia”, Tamara Galloway, một nhà độc học sinh thái ở ĐH Exeter, Anh, nói. “Tôi nghĩ công bằng mà nói thì tiềm năng cho nguy cơ rủi ro cao đấy”, Li trả lời sau khi lựa chọn từ rất cẩn thận.
Một vài năm trước, khi vi nhựa bắt đầu được tìm thấy ở dạ dày cá và động vật hai mảnh vỏ, mối lo ngại đã tập trung vào sự an toàn của hải sản. Động vật hai mảnh vỏ là một mối lo ngại cụ thể. Bởi vì trong trường hợp của chúng, không như cá, chúng ta ăn toàn bộ chúng – dạ dày, vi nhựa và tất cả. Năm 2017, các nhà khoa học Bỉ đã loan báo là những người mê hải sản có thể sẽ hứng lấy 11.000 hạt nhựa một năm khi ăn vẹm, một thứ khoái khẩu ở đất nước này.
Năm 2020, 367 triệu tấn nhựa được sản xuất, và dự đoán sẽ tăng gấp ba vào năm 2050. “Đó là sự cảnh báo bởi vì chúng ta vẫn chưa hiểu về những hậu quả của nó, và sẽ rất khó khăn để lẩn trốn trách nhiệm nếu chúng ta vẫn cứ để mặc như vậy”. (Janice Brahney ĐH Utah)
Vào lúc đó, các nhà khoa học lập tức hiểu là nhựa liên tục bị phân mảnh trong môi trường, nghiền nhỏ theo thời gian thành sợi, hạt. Một nhóm các nhà nghiên cứu ở ĐH Plymouth, Anh quyết định so sánh mối nguy hiểm của việc ăn những con vẹm tự nhiên có nhiễm vi nhựa ở Scotland với việc thở không khí trong một ngôi nhà cụ thể. Họ kết luận: con người sẽ nuốt phải nhiều nhựa trong khi ăn vẹm hơn là khi hít thở những sợi nhựa bé tí đến vô hình trôi nổi trong không khí xung quanh họ. Sợi ở đây “bong” ra từ quần áo, thảm chùi chân, đồ bọc nệm…
Mùa xuân năm 2022, các nhà khoa học Hà Lan và Anh loan báo là họ đã phát hiện ra hạt vi nhựa trong cơ thể con người, trong hai nơi mà họ chưa từng thấy trước đây: sâu bên trong phổi của bệnh nhân qua phẫu thuật và trong máu của người hiến tặng. Hai nghiên cứu này, một cách riêng biệt, đều làm dấy lên câu hỏi về khả năng gây hại và khi ghép lại, chúng cho thấy một chuyển hướng lo ngại về hướng đám mây bụi các hạt vi nhựa nơi chúng ta sống, có những hạt có kích thước nhỏ đến mức có thể đâm xuyên vào cơ thể và thậm chí cả tế bào, theo những cách mà các hạt vi nhựa lớn không thể.
Dick Vethaak, giáo sư hồi hưu về độc học sinh thái tại ĐH Vrije Universiteit Amsterdam và đồng nghiệp trong nghiên cứu về máu người có vi nhựa, không coi kết quả nghiên cứu của mình như điều gì đáng báo động, chính xác là vậy – “nhưng đúng là chúng ta cũng phải lo ngại. Nhựa không nên có trong mạch máu của chúng ta”.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới đa hạt”, ông cho biết thêm, hàm ý đến bụi, phấn hoa và muội than mà con người hít thở hằng ngày. “Thách thức là định hình ra có bao nhiêu nhựa đóng góp vào gánh nặng vi nhựa và điều đó nghĩa là gì”.
Tác động lên con người – phần khó nhằn nhất
Vi nhựa có trong muối, bia, hoa quả và rau xanh, nước uống. Các hạt lơ lửng trong không khí có thể tuần hoàn trên toàn cầu trong vài ngày và rơi xuống mặt đất như mưa. Các chuyến thám hiểm ngoài biển được kỳ vọng đếm được lượng vi nhựa trong đại dương đã tạo ra những con số không thể hiểu nổi, bởi nó biến động theo thời gian khi hàng tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm và phân rã. Một bài báo xuất bản trên tạp chí có bình duyệt vào năm 2014 đưa ra con số khoảng năm nghìn tỉ. Gần nhất, một nhà khoa học Nhật Bản từ trường Đại học Kyushu đã ước tính 24,4 nghìn tỉ vi nhựa trong tầng nước mặt đại dương của Trái đất – tương đương với 30 tỷ chai đựng nước dung tích nửa lít – một con số tự nó đã khó hiểu được.
“Khi chúng tôi bắt tay vào làm việc này từ năm 2014, chỉ duy nhất một nghiên cứu được thực hiện theo hướng tìm xem vi nhựa ở những đâu”, Alice Horton, một nhà khoa học biển chuyên về ô nhiễm vi nhựa tại Trung tâm Đại dương quốc gia Anh, nói. “Giờ thì chúng tôi có thể ngưng tìm kiếm. Chúng tôi đã biết, ở mọi nơi chúng tôi hướng tới sẽ đều tìm thấy chúng”.
Nhưng xác định là liệu chúng có gây ra nguy hiểm còn khó khăn hơn nhiều. Nhựa được làm từ một kết hợp phức tạp các hóa chất, trong đó có nhiều phụ gia đem lại cho nó sự linh hoạt và độ bền. Cả nhựa lẫn phụ gia đều độc hại. Những phân tích gần đây đều nhận diện được hơn 10.000 hóa chất trong nhựa và hơn 2.400 trong số đó có nguy cơ rủi ro tiềm năng, Scott Coffin, một nhà nghiên cứu tại Ban quản lý Nguồn nước bang California, nói. Việc sử dụng nhiều phụ gia “không được quy định một cách thích đáng” ở nhiều quốc gia, và trong đó 901 loại hóa chất không được pháp luật nhiều nơi chấp nhận sử dụng trong đóng gói thực phẩm.
Các chất phụ gia có thể phát tán vào nước, một nghiên cứu đã tìm thấy 88% có thể, phụ thuộc vào nhiều nhân tố, bao gồm tia Mặt trời, độ dài thời gian. Một nghiên cứu tương tự tìm thấy 8.681 hóa chất và phụ gia liên quan đến sản phẩm nhựa dùng một lần. Việc phân loại bao nhiêu kết hợp hóa học cụ thể trong đó là một vấn đề và tìm ra mức độ của phơi nhiễm có thể gây ảnh hưởng đến môi trường hoặc sức khỏe trong những thứ như “nồi khuấy trộn” phức tạp như vậy không bao giờ là chuyện dễ. “Có thể tìm ta một tương quan nhất định nhưng thật vô cùng khó để phát hiện ra hệ quả bởi vì có một số lượng lớn hóa chất mà chúng ta đang phơi nhiễm trong cuộc sống hằng ngày”, Denise Hardesty, một nhà khoa học có 15 năm nghiên cứu về chất thải nhựa ở CSIRO, Úc, nhận xét.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu mở rộng về độc chất trong nhựa cũng như các bệnh về phổi, từ các bệnh về đường hô hấp đến ung thư, vốn là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm và có liên quan đến việc phơi nhiễm nhiều chất ô nhiễm khác.
Janice Brahney, một nhà hóa sinh ở ĐH Utah nghiên cứu về bụi vận chuyển dưỡng chất, mầm bệnh, chất ô nhiễm, lo ngại bởi việc sản xuất nhựa vẫn tiếp tục gia tăng một cách khủng khiếp, trong khi có rất nhiều điều về vi nhựa chưa được hiểu rõ. Năm 2020, 367 triệu tấn nhựa được sản xuất, và dự đoán sẽ tăng gấp ba vào năm 2050. “Đó là sự cảnh báo bởi vì chúng ta vẫn chưa hiểu về những hậu quả của nó, và sẽ rất khó khăn để lẩn trốn trách nhiệm nếu chúng ta vẫn cứ để mặc như vậy”, bà nói.
Hội đồng Hóa chất Mỹ (ACC), một nhóm thương mại công nghiệp, còn lưu giữ một thông cáo báo chí trên trang web của mình, trong đó giải thích về thành phần hóa học của vô số loại nhựa và bác bỏ những tuyên bố về nhựa độc hại. “Không, vi nhựa không phải là loại ‘mưa a xít mới’”, ACC phản hồi sau khi báo chí đưa tin về nghiên cứu năm 2020 của Brahney trên tạp chí Science, trong đó ước tính là 11 tỉ tấn nhựa sẽ tích tụ trong môi trường vào năm 2025.
Tuy nhiên, ACC nói là sẽ thiết lập một chương trình nghiên cứu để giúp trả lời những câu hỏi lớn về vi nhựa, bao gồm cả bụi trong nhà, và giúp thành lập một nghiên cứu toàn cầu về vi nhựa giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và ngành công nghiệp. Công trình này sẽ kiểm tra sự tồn tại của vi nhựa trong môi trường và những luân chuyển tiềm năng của phơi nhiễm vi nhựa, nhận diện những rủi ro tiềm năng và phát triển một khung đánh giá rủi ro.
Nhựa tác động đến con người như thế nào?
Chủ đề này hết sức phức tạp và gây tranh cãi, Hardesty nói, đến nỗi việc định nghĩa về tác hại của nó sẽ còn gây tranh cãi nhiều năm nữa.
Việc đo lường những tác động xấu có thể xảy ra của nhựa lên sức khỏe con người khó hơn việc tìm ra tác động của nó lên động vật. Trong các thí nghiệm, vi nhựa đã chứng tỏ là có tạo ra nguy hại với tế bào người, bao gồm những phản ứng vi dị ứng hoặc làm chết tế bào. Nhưng vẫn còn xa với những tài liệu nghiên cứu dịch tễ, trong một nhóm lớn người tham gia, một kết nối giữa phơi nhiễm với vi nhựa và tác động lên sức khỏe.
Nghiên cứu mới trên những nhóm nhỏ – một yếu tố khiến giới hạn kết luận có thể rút ra từ việc nhận diện ra vi nhựa trong những phần khác nhau của cơ thể. Năm 2018, nghiên cứu tìm thấy vi nhựa trong phân của tám người. Một nghiên cứu khác ghi nhận sự hiện diện của vi nhựa trong bào thai.
Một nghiên cứu của Vethaak và cộng sự tìm thấy nhựa trong máu của 17/22 người khỏe mạnh; nghiên cứu về phổi thấy vi nhựa trong 11/13 mẫu phổi của 11 bệnh nhân. Không có thông tin gì rõ ràng về cả mức độ và thời gian phơi nhiễm của hai nhóm – hai yếu tố quan trọng để xác định khả năng gây hại của vi nhựa.
Các nghiên cứu về hạt nhựa đều là các hạt nhựa ở cấp độ nano, nhỏ hơn cả vi nhựa. Các hạt tìm thấy trong nghiên cứu về máu đủ nhỏ để xuyên thấu – dẫu Vethaak nói là nó có thể là từ việc ăn uống. việc liệu các hạt có thể truyền từ máu vào các cơ quan khác, cụ thể là não, vốn được mạng lưới đậm đặc các tế bào bảo vệ, vẫn còn chưa rõ ràng.
“Chúng tôi biết các hạt có thể được vận chuyển trong cơ thể qua đường máu”, Vethaak nói. Nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu về vi nhựa do tổ chức Nghiên cứu và phát triển Sức khỏe quốc gia Hà Lan tài trợ.
Trong nghiên cứu về phổi, do ĐH Hull ở Anh thực hiện, chứng tỏ đó là các hạt lơ lửng trong không khí xâm nhập. Trong khi các nhà khoa học hy vọng tìm thấy các sợi vi nhựa trong phổi của các bệnh nhân phẫu thuật, họ bất ngờ khi thấy số lượng lớn nhất là các vi nhựa ở vô số hình dạng và kích thước, nằm ở đáy thùy phổi. Một trong số các sợi vi nhựa dài khoảng 2 milimét. “Khó có thể chờ đợi việc tìm thấy vi nhựa trong những phần nhỏ nhất của phổi với đường kính nhỏ nhất,” nhà sinh thái học môi trường của ĐH Hull là Jeannette Rotchell nói. Nghiên cứu này cho phép nhóm nghiên cứu của cô chuyển sang câu hỏi tiếp theo và thực hiện thí nghiệm sử dụng tế bào hoặc mô phổi được nuôi cấy để khám phá ra các tác động của vi nhựa mà họ tìm thấy. “Có quá nhiều câu hỏi”, cô nói. “Tôi muốn biết là những mức độ phơi nhiễm của chúng ta trong cuộc đời mình. Hằng ngày chúng ta hít thở phải vi nhựa gì, liệu lúc làm việc tại nhà, đến chỗ làm, không gian bên ngoài, đạp xe, chạy bộ, nói chung là những môi trường khác nhau. Vẫn còn khoảng trống hiểu biết lớn về chúng”.
Giải pháp đem lại hiệu quả lớn nhất hiện nay là cắt giảm lượng sản phẩm nhựa dùng một lần. “Không có gì vô nghĩa hơn việc tạo ra những thứ tồn tại cả 500 năm nhưng lại chỉ sử dụng trong vòng hai mươi phút. Đó hoàn toàn là cách sử dụng thiếu bền vững”. (Tamara Galloway, ĐH Exeter)
Các nhà khoa học đang nghiên cứu mở rộng về độc chất trong nhựa cũng như các bệnh về phổi, từ các bệnh về đường hô hấp đến ung thư, vốn là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm và có liên quan đến việc phơi nhiễm nhiều chất ô nhiễm khác. Hiệp hội Phổi Mỹ, trong báo cáo mới nhất cho biết viêm mãn tính là một trong bốn nguyên nhân dẫn đến cái chết ở Mỹ.
Con người hít vào vô số các hạt ngoại lai mỗi ngày, kể từ buổi bình minh của Cách mạng Công nghiệp. Phản hồi đầu tiên của cơ thể là tìm cách để tống khứ chúng. Những hạt lớn hơn theo đường thở thuộc dạng như vậy khi ho. Niêm dịch hình thành quanh các hạt đưa chúng xuống đường hô hấp, tạo ra một dạng “thang máy” niêm dịch tống chúng ngược trở ra đường hô hấp trên. Các tế bào miễn dịch xung quanh để cô lập chúng. Theo thời gian, những hạt này có thể làm kích thích và dẫn đến nhiều triệu chứng từ viêm nhiễm đến lây nhiễm và cuối cùng là ung thư. Hoặc chúng có thể chỉ hiện diện như một vật trơ và không làm điều gì ghê gớm.
Nhưng các hạt trong nghiên cứu về phổi đều từ nhựa và được biết là độc hại với người, là nguyên nhân của kích thích phổi, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu và ung thư, Kari Nadeau, một nhà nghiên cứu về dị ứng và bệnh hen suyễn ở ĐH Stanford. “Chúng tôi biết điều này từ những nghiên cứu khác. Chỉ cần mất một phút hít thở chất polyurethane là có thể bắt đầu khó thở rồi”.
Những gì các nhà khoa học không biết là liệu việc phơi nhiễm các hạt nhựa trong phổi ở mức độ nào, thời gian bao lâu để đạt đến ngưỡng gây hại? Việc chứng minh hạt nhựa “là nguyên nhân gây suyễn trực tiếp cho toàn bộ cuộc đời của ai đó thật quá khó”, cô nói. “Tôi không thể chỉ nói là chúng ta phải sợ hãi những điều đó mà chỉ có thể nói là chúng ta phải được cảnh báo. Chúng ta cần hiểu về những thứ đang xâm nhập cơ thể chúng ta và có thể ở lại đó nhiều năm”.
Albert Rizzo, một thành viên của Hiệp hội Phổi Mỹ, cho biết vẫn còn quá mơ hồ để rút ra kết luận. “Liệu nhựa chỉ đơn giản là trơ hay đang dẫn đến một phản hồi miễn dịch của cơ thể và có thể dẫn đến hình thành sẹo, xơ hóa hay ung thư phổi? Chúng ta biết vi nhựa có mặt ở mọi nơi. Chúng ra không biết là liệu sự hiện diện của nó trong cơ thể có dẫn đến vấn đề sức khỏe nào không. Thời gian phơi nhiễm rất quan trọng. Anh đã phơi nhiễm chúng trong vòng bao lâu?”.
Ông cho rằng có thể cần nỗ lực kéo dài cả thập kỷ để thuyết phục chính quyền là hút thuốc gây ung thư. “Trong khoảng thời gian để chúng ta có đủ bằng chứng dẫn đến một sự thay đổi về chính sách thì mèo đã nhảy khỏi túi”, ông nói, hàm ý đến nguy cơ lúc có thể đưa ra một lệnh cấm tương tự với nhựa và vi nhựa thì tất cả đã muộn. “Có thể sẽ mất chừng 40 năm để vi nhựa trong phổi có thể dẫn đến sự lão hóa phổi hay bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính? Chúng ta còn không biết. Vậy chúng ta có thể làm cho nhựa trở nên an toàn hơn chăng?”.
Không còn thời gian để mất
Từ khoảnh khắc này, mức độ của vi nhựa và nano nhựa trong môi trường vẫn còn ở mức thấp để ảnh hưởng đến sức khỏe con người, các nhà nghiên cứu nghĩ vậy. Nhưng số lượng ngày một gia tăng. Vào tháng 9/2020, các nhà nghiên cứu dự đoán là tổng lượng nhựa thêm vào chất thải mỗi năm có thể lên tới gấp đôi con số 188 triệu tấn năm 2016 lên 380 triệu tấn vào năm 2040. Khoảng 10 triệu tấn trong đó có thể là vi nhựa – một tính toán không bao gồm sự phân rã của nhựa thành vi nhựa.
Có thể kiểm soát được phần nào chất thải nhựa của chúng ta, theo Winnie Lau tại Quỹ Pew Charitable Trusts ở Washington, D.C, tác giả thứ nhất của nghiên cứu, cho biết. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra là nếu giải pháp cắt giảm được ô nhiễm được chấp thuận vào năm 2020 và nhanh chóng được mở rộng quy mô – bao gồm tái sử dụng, chấp thuận các vật liệu thay thế, tái chế nhựa – tổng lượng chất thải nhựa có thể giảm 140 triệu tấn mỗi năm.
Giải pháp đem lại hiệu quả lớn nhất hiện nay là cắt giảm lượng sản phẩm nhựa dùng một lần. “Không có gì vô nghĩa hơn việc tạo ra những thứ tồn tại cả 500 năm nhưng lại chỉ sử dụng trong vòng hai mươi phút”, Galloway nói. “Đó hoàn toàn là cách sử dụng thiếu bền vững”. □
Anh Vũ tổng hợp
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-021-01143-3
https://www.nationalgeographic.com/environment/article/microplastics-are-in-our-bodies-how-much-do-they-harm-us
Tạp chí Tia Sáng