Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ - dòng chảy từ các cơ quan nghiên cứu đến doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị về “Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ: đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập” vào chiều 23/9/2022 với sự tham dự của các Bộ, ngành, địa phương, các Viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế; TS. Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã có bài viết về “Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ - dòng chảy từ các cơ quan nghiên cứu đến doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) là một nội dung quan trọng để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo sự bứt phá về hiệu quả, sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, phát triển các chủ thể trong thị trường khoa học và công nghệ có ý nghĩa quan trọng kích thích cung cầu, thúc đẩy mua bán, chuyển giao hàng hóa công nghệ, tài sản trí tuệ, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đối với thành phố Đà Nẵng, thị trường KH&CN được định hình và từng bước phát triển, với sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố thông qua các cơ chế chính sách và sự phát triển của các chủ thể trong thị trường.

Thứ nhất, Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN

Trong 10 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã ban hành, sửa đổi, bổ sung 73 văn bản trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, có các văn bản quan trọng có tác động tích cực đến việc hình thành và phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn thành phố[1]. Thông qua các chính sách đã góp phần phát triển nguồn cung hàng hóa KH&CN từ các Viện, trường và gia tăng nhu cầu, năng lực tiếp cận, hấp thu và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN. Để tiếp tục có các hoạt động cụ thể, trực tiếp đến các chủ thể trong thị trường, hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đang giao cho Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển thị trường KH&CN thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 để triển khai thực hiện trong thời gian đến.

Thứ hai, Phát triển nguồn cung hàng hóa KH&CN

Nguồn cung hàng hóa KH&CN được hình thành từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức KH&CN và các doanh nghiệp. Đối với thành phố Đà Nẵng, trong những năm qua đã có sự phát triển không ngừng về tổ chức cũng như nguồn nhân lực KH&CN- chủ thể chính tạo ra nguồn cung hàng hóa KH&CN, với 12 trường đại học; 68 tổ chức KH&CN và nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện của các tổ chức KH&CN trung ương cùng 20 doanh nghiệp KH&CN và đông đảo lực lượng nghiên cứu có trình độ cao đến từ các Viện, trường trên địa bàn thành phố. Đây là ưu thế, tiềm năng lớn trong công tác nghiên cứu phát triển, là nguồn cung chính cho thị trường KH&CN trên địa bàn thành phố.

Kết quả, trong giai đoạn 2012-2022 thành phố tổ chức triển khai 260 nhiệm vụ KH&CN các cấp (07 đề tài cấp quốc gia, 09 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, 134 đề tài cấp thành phố và 110 đề tài cấp cơ sở) theo các chương trình KH&CN trọng điểm, tập trung vào những vấn đề chung mang tính liên ngành và ưu tiên phát triển của thành phố và các nhiệm vụ có địa chỉ ứng dụng cụ thể, phục vụ phát triển kinh tế -xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, theo thống kê thông qua hoạt động khen thưởng KH&CN hàng năm của thành phố, giai đoạn 2016-2021 có 1.587 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quôc tế uy tín.Về sáng chế, giải pháp hữu ích, giai  đoạn 2012-2021, thành phố đã có 144 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế và có 55 văn bằng độc quyền sáng chế đã được cấp.

Trên đây là một số hình ảnh sản phẩm KH&CN của các Viện, trường, doanh nghiệp KH&CN đã được chuyển giao công nghệ để phục vụ sản xuất. Để khuyến khích phát triển các nguồn cung hàng hóa KH&CN, thành phố đã có các chính sách về hỗ trợ nghiên cứu khoa học, khen thưởng trong hoạt động KH&CN và hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu về KH&CN và đang được lưu giữ vận hành tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tại đây cũng vận hành sàn giao dịch công nghệ Techmartonline. Đây là nơi cung cấp các thông tin công nghệ và nguồn cung công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu.

Thứ ba, Về nguồn cầu sử dụng hàng hóa KH&CN

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua hàng hóa KH&CN chủ yếu là doanh nghiệp để áp dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện nay các doanh nghiệp thường mua hàng hóa KH&CN thông qua các hình thức nhận chuyển giao công nghệ độc lập, mua thiết bị máy móc công nghệ. Có các doanh nghiệp tự nghiên cứu, giải mã công nghệ để tạo ra công nghệ, thiết bị máy móc phục vụ phát triển sản xuất.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và tăng cường năng lực tiếp cận, hấp thụ, làm chủ công nghệ, thành phố Đà Nẵng đã triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Kết quả, theo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, từ 2016 đến nay, đã hỗ trợ 74 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ với kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng HTQLCL tiên tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng; bảo hộ tài sản trí tuệ trong quá trình hội nhập và nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ KNĐMST: ươm tạo được 147 dự án KNĐMST và thành lập khoảng 57 doanh nghiệp KNĐMST. Trong năm 2020-2022, Thành phố đã hỗ trợ trực tiếp cho 22 dự án, doanh nghiệp KNĐMST và vườn ươm với tổng kinh phí là 3,939 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ các dự án/doanh nghiệp KNĐMST/doanh nghiệp KH&CN sử dụng các dịch vụ về KNĐMST và  tham gia các sự kiện, cuộc thi về KNĐMST, giải thưởng, triển lãm về KH&CN để kết nối đầu tư. Thông qua các dự án đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp cho thấy năng lực hấp thụ công nghệ ngày càng cao và có sự hợp tác, phối hợp giữa doanh nghiệp với các Viện nghiên cứu, trường đại học trong các hoạt động chuyển giao công nghệ.

Trên đây là một số hình ảnh về hoạt động đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp và hỗ trợ của thành phố đối với doanh nghiệp. Với sự tham gia tích cực chủ động của doanh nghiệp trên địa bàn đã có nhiều công nghệ được chuyển giao, mua bán và ứng dụng trực tiếp vào sản xuất. Đồng thời việc xác lập và đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng ngày càng gia tăng hỗ trợ việc thương mại hoá các sản phẩm. Giai đoạn 2012-2021, thành phố đã có 5.817 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và tính đến ngày 31/12/2021, thành phố Đà Nẵng có 4.197 văn bằng được cấp. Số lượng văn bằng của những năm gần đây đã gia tăng hơn so với thời gian trước cho thấy đã có sự quan tâm của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đối với lĩnh vực SHTT, qua đó làm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với phát triển tài sản trí tuệ.

Thứ tư, Phát triển mạng lưới tổ chức trung gian, liên kết, kết nối cung - cầu

Tổ chức trung gian của thị trường KH&CN có vai trò quan trọng trong việc kết nối cung cầu trong thị trường KH&CN, cung cấp các dịch vụ môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ, đánh giá, định giá, thẩm định, giám định công nghệ .... hiện tại, thành phố có 68 tổ chức KH&CN hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm, dịch vụ KH&CN, môi giới, tư vấn, hỗ trợ về KH&CN; Về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã phát triển các tổ chức trung gian để hỗ trợ, kết nối[2]. Sở KH&CN cũng đã phát triển Sàn giao dịch công nghệ - thiết bị giúp gắn kết người mua, người bán công nghệ - thiết bị, giới thiệu và quảng bá sản phẩm công nghệ - thiết bị; Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chia sẻ thông tin của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố, kết nối mạng lưới khởi nghiệp, … Như vậy về cơ bản các tổ chức trung gian trên địa bàn thành phố đã được hình thành và phát triển tuy nhiên còn thiếu vắng tổ chức mạnh có uy tín, có vai trò đầu tàu trong hệ thống.

Nhìn chung, thị trường KH&CN trên địa bàn thành phố đang từng bước hình thành và phát triển, tuy nhiên vẫn chưa sôi động, thiếu vắng các tổ chức trung gian mạnh, nhất là các tổ chức có năng lực về tư vấn, định giá, xúc tiến, kết nối chuyển giao công nghệ cũng như các tư vấn viên, môi giới chuyên nghiệp để hỗ trợ giao dịch trong mua bán hàng hóa KH&CN; lượng giao dịch hàng hóa công nghệ còn hạn chế, tốc độ phát triển còn chậm và thị trường còn nhỏ lẻ; việc hình thành các doanh nghiệp KH&CN trong các trường đại học, viện nghiên cứu cũng như thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học vẫn còn hạn chế; sự gắn kết, lưu thông các kết quả nghiên cứu từ các Viện, trường, tổ chức KH&CN sang khu vực doanh nghiệp tuy đã có nhưng còn rất khiêm tốn. Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao và cải thiện tuy nhiên, hình thức giao dịch mua bán công nghệ qua mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư vẫn còn chiếm đa số. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý và vận hành thị trường KH&CN còn chưa rõ nét và chuẩn hóa nên thực tế các địa phương vẫn còn lúng túng.

Để hình thành và phát triển thị trường KH&CN, theo chúng tôi cần một số giải pháp như sau:

Một là, Hoàn thiện quy định về chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục đánh giá kết quả nghiên cứu để chuyển giao cho doanh nghiệp, tạo ra nhu cầu về công nghệ.
 
Hai là, Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp thành lập tổ chức KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Có biện pháp để doanh nghiệp thành lập và sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục thuận lợi trong việc quản lý và sử dụng quỹ nhằm thúc đẩy hoạt động tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Ba là, Có biện pháp tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường.

Bốn là, Hỗ trợ tăng cường đầu tư nâng cao năng lực các tổ chức khoa học và công nghệ có chức năng tư vấn chuyển giao công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở KH&CN.

Năm là, Khuyến khích thành lập các tổ chức trung gian đặc biệt là các tổ chức trung gian trong các trường đại học, viện nghiên cứu để đẩy mạnh việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ, khơi thông dòng chảy công nghệ từ khu vực nghiên cứu tại các Viện, trường đến khu vực ứng dụng tại các doanh nghiệp.

TS. Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Nguồn: https://dost.danang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc?dinhdanh=6818587&cat=2