Tình trạng một số bệnh nhân bị tái dương tính với SARS-CoV-2 sau nhiều tuần khỏi bệnh mà không có bất cứ bằng chứng cụ thể nào về sự nhân lên của virus đang là một vấn đề nóng hiện nay. Đã có một vài bằng chứng thực nghiệm gợi ý câu trả lời cho việc tái dương tính này ở bệnh nhân Covid-19.
Ngày 25/05/2021, Viện Nghiên cứu Y sinh Whitehead (Hoa Kỳ) vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, trong quá trình nhân lên của virus SARS-CoV-2 trong tế bào vật chủ, bộ gen RNA của virus trải qua quá trình phiên mã ngược để chuyển thành DNA. Sau đó, đoạn DNA này có thể được gắn chèn vào DNA bộ gen của tế bào người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Cùng với bằng chứng về sự hiện diện của các RNA lai (gồm một phần RNA của SARS-CoV-2 kết hợp với phần còn lại là RNA của tế bào người) trong một số mẫu mô từ bệnh nhân Covid-19, nhóm nghiên cứu kết luận rất có thể sau khi virus bị tiêu diệt, DNA của nó vẫn còn sót lại trong DNA bộ gen của tế bào vật chủ, từ đó chúng được phiên mã thành RNA. Chính sự hiện diện của các RNA lai mang trình tự bộ gen virus SARS-CoV-2 này có thể đã dẫn đến kết quả xét nghiệm dương tính (bằng kỹ thuật RT-PCR) ở các bệnh nhân, cho dù người bệnh đã khỏi bệnh.
SARS-CoV-2 virus Nguồn: Close relative of SARS-CoV-2 found in bats (medicalnewstoday.com)
Ngoài phát hiện sự hiện diện của các RNA virus lai RNA người trong các mẫu mô của bệnh nhân đã khỏi bệnh, nhóm nghiên cứu còn phát hiện một thông tin hết sức quan trọng đó là chỉ một phần của bộ gen virus SARS-CoV-2 được gắn chèn vào bộ gen tế bào người (phần ở đầu 3’), nên chúng sẽ không tái tạo lại thành một con virus hoàn chỉnh để gây bệnh tiếp được. Kết quả nghiên cứu cũng cung cấp một cái nhìn cụ thể hơn về hậu quả của nhiễm SARS-CoV-2 có thể giải thích tại sao cơ thể bệnh nhân có thể tiếp tục sản xuất RNA virus sau khi hồi phục.
Nguồn bài báo: “Zhang L, Richards A, Barrasa MI, Hughes SH, Young RA, Jaenisch R. Reverse-transcribed SARS-CoV-2 RNA can integrate into the genome of cultured human cells and can be expressed in patient-derived tissues. Proc Natl Acad Sci U S A. 2021 May 25;118(21):e2105968118. doi: 10.1073/pnas.2105968118”