Phong trào Đông du những năm đầu thế kỷ XX, là một trong những phong trào yêu nước tiêu biểu nhất trong giai đoạn lịch sử cận đại của đất nước. Đó là một cuộc vận động “cầu học” lớn lao, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam, do Phan Bội Châu cùng với Tiểu La Nguyễn Thành, cùng các yếu nhân của Duy tân hội ở Quảng Nam khởi xướng.
Từ năm 1905, Phan Bội Châu, với sự vạch lối và hậu thuẫn của Duy tân hội, đã đưa ba thanh niên là Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Điển, Lê Khiết, từ miền Trung Việt Nam, vượt biển qua Nhật Bản, mở đầu cho phong trào Đông du “cầu học” tại xứ sở “hoa anh đào”, diễn ra từ năm 1905 đến năm 1909.
Trong bối cảnh lịch sử đất nước suy tàn bởi hệ quả của nền giáo dục Nho giáo lạc hậu, đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, giày xéo, phong trào Đông du mang khát vọng học tập sự tiến bộ của Nhật Bản, nhằm xây dựng một lực lượng tiến bộ quay trở về chấn hưng đất nước, giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, phong trào Đông du phát triển liên lục với một tinh thần mạnh mẽ. Đến năm 1908, số lượng du học sinh Việt Nam học tập tại Nhật Bản thông qua phong trào Đông du lên tới 200 người, với nội dung học tập phong phú, khoa học và thực tiễn.
Tuy thất bại vào năm 1909, bởi sự thỏa hiệp giữa Nhật Bản với Pháp nhưng phong trào Đông du có tác động mạnh mẽ tới tư tưởng yêu nước của Việt Nam lúc đó, phong trào Đông du đã trở thành một biểu tượng cho khát vọng học hỏi, tìm kiếm con đường cứu nước mới, trước sự thất bại liên tục của các khuynh hướng cứu nước đã và đang diễn ra ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.
Bên cạnh đó, phong trào Đông du đã đánh một dấu mốc quan trọng đối với tình hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản trong tinh thần ngoại giao nhân dân tốt đẹp. Sự giúp đỡ của những người bạn Nhật Bản đối với Phan Bội Châu và các lưu học sinh Việt Nam sẽ mãi nguyên giá trị như một sợi dây kết nối tình cảm nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản trong quá khứ đến hiện tại. Gần 120 năm trôi qua, phong trào Đông du vẫn còn nguyên giá trị. Đó là tinh thần “vượt biển cầu học”, học tập sự tiến bộ của các nước trên thế giới cho sự nghiệp chấn hưng quốc gia vẫn diễn ra rất mạnh mẽ. Nhìn lại phong trào Đông du chúng ta vô cùng tự hào về tinh thần hiếu học, lòng nhiệt thành yêu nước thể hiện qua phong trào này. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản cũng là dịp để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét các giá trị của phong trào Đông du, về vai trò, vị trí, những đóng góp trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và ngoại giao đối với đất nước trong giai đoạn hiện nay. Với ý nghĩa đó Trường Đại học Đông Á tổ chức hội thảo khoa học “Phong trào Đông du đầu thế kỷ XX - Những giá trị từ quá khứ đến hiện tại”. Hội thảo sẽ tiếp tục làm rõ những giá trị lịch sử và thực tiễn của phong trào Đông du đối với tiến trình lịch sử của dân tộc; khơi dậy tinh thần “cầu học” đối với thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và với sinh viên Trường Đại học Đông Á nói riêng. Đồng thời, hội thảo sẽ tiếp tục tôn vinh những những giá trị mà phong trào Đông du để lại, đánh giá đúng và ghi nhận công lao các yếu nhân như Phan Bội Châu, Nguyễn Thành, Cường Để, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Thần Hiến… trong sự nghiệp xả thân cứu nước.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023), Trường Đại học Đông Á tổ chức hội thảo khoa học Phong trào Đông du đầu thế kỷ XX - Những giá trị từ quá khứ đến hiện tại.
Hội thảo đã nhận được 20 tham luận của được chấp bút bởi 30 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên tại nhiều viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước, như: Viện Sử học; Đại học Vinh; Trường Chính trị Lê Duẩn (Quảng Trị); Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học, Trường Du lịch (Đại học Huế); Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng), Đại học Duy Tân, Học viện Chính trị Khu vực III, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Hội An, Quảng Nam), Trường Đại học Khánh Hòa, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Cần Thơ. Tôi tin tưởng và kỳ vọng qua hội thảo này, nhiều vấn đề lịch sử và khoa học về phong trào Đông du sẽ tiếp tục được soi tỏ thông qua các nguồn sử liệu mới được phát hiện, công bố, phân tích trong các bài tham luận, đồng thời, thông qua các cuộc thảo luận tại hội thảo này, phong trào Đông du đầu thế kỷ XX sẽ được đánh giá một cách đầy đủ, công bằng và khách quan. Tôi cũng hy vọng, hội thảo sẽ đúc kết những giá trị lịch sử, tư tưởng, khoa học, văn hóa, giáo dục mà phong trào Đông Du đầu XX đã mở hướng và trao truyền cho hậu thế. Đó là những bài học quý báu mà thế hệ chúng ta và các thế hệ sau này tiếp nhận và thực hành cho công cuộc “hậu Đông du” vào thế kỷ XXI, tiếp nối đường lối “Đông du cầu học” đầu thế kỷ XX, trở thành trào lưu thế hệ trẻ Việt Nam “tiến ra thế giới, thâu nạp kiến thức, hoàn thiện bản thân”, để trở về phụng sự Tổ quốc, xây dựng đất nước, đưa đất nước phát triển cường thịnh và bền vững, “sánh vai với các cường quốc năm châu bốn biển”, như ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Nhân dịp này, thay mặt Trường Đại học Đông Á, tôi trân trọng cảm ơn PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã nhận lời mời tham gia và chủ trì hội thảo.
Cuốn sách là tập hợp những bài viết, bài phát biểu và báo cáo đề dẫn đã được các tác giả chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện sau khi hội thảo kết thúc để xuất bản.
Sách tham khảo:
“PHONG TRÀO ĐÔNG DU ĐẦU THẾ KỶ XX Những Giá Trị Từ Quá Khứ Đến Hiện Tại” do Đại học Đông Á phối hợp cùng NXB Đà Nẵng xuất bản.
Mã số ISBN: 978-604-84-7208-5