Theo báo cáo mới từ Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), nếu các quốc gia và công ty dùng những công nghệ hiện có để thực hiện những quyết sách và chuyển dịch thị trường sâu sắc, vậy ô nhiễm nhựa có thể giảm tới 80% vào năm 2040.
Báo cáo được công bố trước vòng đàm phán thứ hai ở Paris để đi tới một thỏa thuận toàn cầu nhằm xử lý ô nhiễm nhựa, đồng thời vạch ra mức độ và bản chất của những thay đổi cần thiết, ngõ hầu chấm dứt tình trạng này và tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn.
Để đạt kết quả mong muốn, trước tiên ta phải loại bỏ đồ nhựa không cần thiết để thu hẹp quy mô vấn đề. Tiếp theo, báo cáo kêu gọi thực hiện ba thay đổi về thị trường: tái sử dụng, tái chế, tái định hướng và đa dạng hóa sản phẩm:
- Tái sử dụng: Thúc đẩy sản phẩm sử dụng lại, như bình nước, máy bán đồ theo định lượng cá nhân, kế hoạch đặt cọc-hoàn trả (tính thêm phụ phí vào giá của sản phẩm và bao bì, người tiêu dùng sẽ nhận lại tiền khi họ trả lại sản phẩm hoặc bao bì sau khi sử dụng), v.v. Như vậy, ô nhiễm nhựa sẽ giảm 30% vào năm 2040. Để hiện thực hóa tiềm năng này, các chính phủ phải xây dựng một đề án kinh doanh mạnh mẽ hơn cho sản phẩm tái sử dụng.
- Tái chế: Ô nhiễm nhựa sẽ giảm thêm 20% nếu tái chế trở thành hoạt động kinh doanh ổn định, mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Bỏ trợ giá nhiên liệu hóa thạch, thực thi các hướng dẫn về thiết kế để tăng cường khả năng tái chế, cùng nhiều biện pháp khác sẽ nâng tỷ lệ nhựa có thể tái chế về kinh tế từ 21% lên 50%.
- Tái định hướng và đa dạng hóa: Việc thận trọng thay thế những thứ như vỏ bọc từ nhựa và sản phẩm đựng đồ mang đi bằng sản phẩm từ vật liệu thay thế (như giấy và vật liệu có thể phân hủy) sẽ giảm ô nhiễm nhựa thêm 17%.
Dù tiến hành những biện pháp trên, cho tới năm 2040 chúng ta vẫn cần xử lý 100 triệu tấn nhựa từ sản phẩm dùng một lần, có vòng đời ngắn hàng năm – cùng số ô nhiễm nhựa còn tồn tại. Biện pháp là thiết lập, triển khai các tiêu chuẩn thiết kế và an toàn để xử lý rác thải nhựa không thể tái chế, yêu cầu nhà sản xuất chịu trách nhiệm với sản phẩm rã thành vi nhựa.
Nhìn chung, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp chúng ta tiết kiệm 1,27 nghìn tỷ USD, xét tới chi phí và doanh thu từ tái chế. Ta sẽ tiết kiệm thêm 3,25 nghìn tỷ USD nữa nhờ tránh khỏi các tác động bên ngoài như y tế, khí hậu, ô nhiễm không khí, suy thoái hệ sinh thái biển, chi phí kiện tụng. Sự chuyển đổi này cũng tạo thêm 700.000 công việc vào năm 2040, hầu hết ở những quốc gia thu nhập thấp, cải thiện đáng kể sinh kế của hàng triệu người lao động trong môi trường làm việc phi chính thức.
Thay đổi hệ thống như khuyến nghị đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, song nó vẫn thấp hơn số tiền phải bỏ ra nếu không làm vậy: 65 tỷ USD mỗi năm (nếu thay đổi) so với 113 tỷ USD mỗi năm. Đa phần chi phí có thể huy động bằng cách thay đổi khoản đầu tư dự tính cho cơ sở sản xuất mới (không cần thiết nhờ giảm nhu cầu vật liệu) hoặc đánh thuế việc sản xuất nhựa nguyên chất để xây dựng cơ sở hạ tầng tuần hoàn. Tuy nhiên, thời gian là vàng: trì hoãn 5 năm sẽ tăng thêm 80 triệu tấn rác thải nhựa vào năm 2040.
Chi phí lớn nhất với nền kinh tế tiêu thụ và tuần hoàn là chi phí hoạt động. Với quy định đảm bảo nhựa được thiết kế tuần hoàn, các chương trình Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sẽ bù đắp chi phí vận hành thông qua yêu cầu các nhà sản xuất tài trợ cho việc thu gom, tái chế và có trách nhiệm xử lý sản phẩm nhựa hết hạn sử dụng.
Những chính sách mà quốc tế đồng thuận có thể giúp vượt qua các hạn chế trong kế hoạch quốc gia và hành động của doanh nghiệp, duy trì nền kinh tế nhựa toàn cầu tuần hoàn, mở ra cơ hội làm ăn và tạo thêm công ăn việc làm.
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng