Khoa học và công nghệ luôn được coi là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần phát triển nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong thời gian qua, thành phố đã tích cực ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp Đà Nẵng. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều hoạt động đóng góp vào việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; phục vụ xây dựng nông thôn mới; xã hội nông thôn ổn định; dân trí được nâng cao.
Thứ nhất không ngừng tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Triển khai thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và các văn bản pháp luật của nhà nước, trong giai đoạn 2010-2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức triển khai 66 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, bao gồm 09 dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi (dự án nông thôn miền núi), 23 đề tài cấp thành phố, 34 đề tài cấp cơ sở, với tổng kinh phí thực hiện là 82,132 tỷ đồng, trong đó kinh phí Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ là 27,11 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn sự nghiệp KH&CN thành phố là 33,170 tỷ đồng và kinh phí huy động từ các nguồn khác là 21,852 tỷ đồng. Và bước đầu đã có những đóng góp nhất định cho ngành nông nghiệp thành phố trên một số lĩnh vực.
Về lĩnh vực trồng trọt: Đã chuyển giao các quy trình công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt phục vụ nhân giống và sản xuất thương phẩm các loại cây dược liệu (trinh nữ hoàng cung, kim tiền thảo, nghệ vàng, đinh lăng…); các loại hoa có giá trị kinh tế (lan hồ điệp, lan mokara, lan dendro, cúc 4 số 9, cúc Nhật, cúc mặt trời, sô đỏ, hoa ly, hoa tô liên, hoa ngọc thảo…); các loại cây ăn quả (bưởi da xanh, chuối tiêu…); cây lương thực, thực phẩm (ngô lai, kiệu hương…). Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt 03 dự án triển khai từ 2019, tập trung vào rau hữu cơ, rau an toàn và tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp và 01 dự án triển khai từ năm 2020 về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống dưa thơm.
Đặc biệt, thời gian qua Sở đã có nhiều hỗ trợ trong ngành sản xuất nấm của thành phố, bắt đầu từ việc tổ chức thực hiện dự án Nông thôn miền núi về sản xuất hàng hóa nấm ăn, nấm dược liệu do Trung tâm Công nghệ sinh học chủ trì từ năm 2011, qua đó tiếp nhận và chuyển giao cho người dân 13 quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng cho đến chế biến, bảo quản sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu cũng như xử lý phế thải sau thu hoạch làm phân bón hữu cơ. Việc nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ nấm cũng được Sở quan tâm triển khai thực hiện nhằm mục đích tạo thêm đầu ra cho sản phẩm nấm của thành phố.
Về lĩnh vực chăn nuôi, tập trung nghiên cứu ứng dụng các quy trình kỹ thuật mới trong xây dựng một số mô hình chăn nuôi, qua đó đã chuyển giao 14 quy trình với các giống vật nuôi như thỏ trắng New Zealand tại huyện Hòa Vang, gà đồi kiểu mẫu ở Hòa Sơn, gà Đông Tảo tại quận Cẩm Lệ, cá chình tại xã Hòa Sơn, chim Trĩ tại phường Hòa Phát… đồng thời, chuyển giao các quy trình xử lý chất thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường nông thôn.
Về thủy lợi, tưới tiêu và phòng chống thiên tai: đã tập trung đánh giá thực trạng và cung cấp cơ sở khoa học để đề xuất và ứng dụng các biện pháp nhằm quản lý nguồn tài nguyên nước như nghiên cứu sử dụng tổng hợp nguồn nước các hồ đập phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng và phục vụ sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu thiết kế xây dựng hệ thống cấp nước bằng công nghệ bơm Va tại xã Hòa Bắc phục vụ cấp nước sinh hoạt và nưới tưới với nhiều ưu điểm như không dùng điện, xăng dầu, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng đơn giản, dễ thực hiện; Bên cạnh đó, Sở cũng đang tổ chức triển khai thực hiện dự án Nông thôn miền núi ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.
Về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng: trong giai đoạn nay, Sở đã hỗ trợ chuyển giao và lắp đặt nhiều mô hình đèn điện chiếu sáng, các trạm điện, bếp điện, nước nóng... sử dụng năng lượng mặt trời cho vùng nông thôn huyện Hòa Vang.
Về lĩnh vực tài nguyên - môi trường: đã tổ chức triển khai các nghiên cứu đưa ra các giải pháp và triển khai các mô hình giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn như giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho chợ, hợp tác xã giết mổ gia súc, hộ chăn nuôi; giải pháp sử dụng dung dịch anolit để vệ sinh, khử trùng, khử mùi hôi tại các chợ; giải pháp xử lý nước thải tại các cơ sở sản xuất đá chẻ; triển khai mô hình quản lý chất thải khép kín tại thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương... Các nghiên cứu về quản lý tổng hợp tài nguyên nước (các lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, lưu vực sông Cu Đê, nguồn nước các hồ chứa) và nghiên cứu giải pháp giảm thiểu xâm nhập mặn được chú trọng, qua đó xây dựng được hệ thống các bản đồ cảnh báo ngập lụt phục vụ công tác phòng chống lụt bão, đề xuất được hành lang thoát lũ các lưu vực sông, xây dựng được hệ thống thông tin quản lý tổng hợp tài nguyên nước các hồ chứa phục vụ nông nghiệp. Đặc biệt các nghiên cứu về nhiễm mặn nguồn nước được đầu tư nghiên cứu kịp thời đã góp phần xây dựng đề án xâm nhập mặn, là cơ sở khoa học để hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và Công ty cấp nước Đà Nẵng ra các quyết định chống mặn cho thành phố và ứng dụng các giải pháp phi công trình trong giảm thiểu xâm nhập mặn. Kết quả đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của việc vận hành các công trình thủy điện ở thượng nguồn đến việc cấp nước của nhà máy nước Cầu Đỏ trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng - Đề xuất các giải pháp phù hợp” đã xây dựng đề án xâm nhập mặn, là cơ sở khoa học để hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng ra các quyết định chống mặn cho thành phố Đà nẵng trong các đợt xâm nhập mặn tháng 11/2018 và tháng 12/2019. Đề tài cũng đã được đưa vào quy trình vận hành liên hồ 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng chính phủ ban hành, trong đó cho phép vận hành linh hoạt đập An Trạch để chống mặn cho thành phố.
Về lĩnh vực lâm nghiệp: đã nghiên cứu áp dụng công nghệ GIS để hoàn chỉnh dữ liệu số về rừng và đất lâm nghiệp thành phố Đà Nẵng, làm cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ngoài ra, Sở đang tổ chức triển khai một số nghiên cứu vào việc phòng chống cháy rừng như xác định tập đoàn cây trồng chịu lửa và quy trình kỹ thuật tạo băng xanh cản lửa phòng chống cháy rừng tại Đà Nẵng nhằm đề xuất các giải pháp giảm nguy cơ cháy rừng cho thành phố.
Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu về thổ nhưỡng, tự nhiên trong giai đoạn này cũng đã cung cấp luận cứ khoa học để xây dựng các cơ chế, chính sách phục vụ ngành nông nghiệp nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng. Tiêu biểu như kết quả đề tài điều tra, đánh giá đất đai trên toàn huyện Hòa Vang đã cung cấp cơ sở khoa học cho huyện xây dựng chiến lược khai thác tối ưu tài nguyên đất đai phục vụ quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hình thành các vùng sản xuất tập trung cũng như bố trí cây trồng hợp lý. Đề tài nghiên cứu giải pháp sử dụng hiệu quả vùng đất nông nghiệp không chủ động nước và đất bị ảnh hưởng thi công các dự án tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành giai đoạn I và đang chuẩn bị để tiếp tục thực hiện giai đoạn II.
Nhìn chung, các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung vào việc ứng dụng và chuyển giao các công nghệ sản xuất giống, sản xuất thương phẩm các loại cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng nấm và hoa thương phẩm; chuyển giao các quy trình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi tiên tiến; công nghệ tưới tiết kiệm, xử lý môi trường trong chăn nuôi và các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi… Đồng thời, thông qua các nhiệm vụ KH&CN đã du nhập các giống cây trồng, vật nuôi mới về địa phương góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, thay đổi tập quán sản xuất của người dân.
Thứ hai là tăng cường hoạt động thông tin về khoa học và công nghệ đến với từng nông dân
Nhằm phổ biến, tuyên truyền các kiến thức ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao quy trình kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho bà con nông dân huyện Hòa Vang. Nội dung tập trung vào hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện địa phương, với phương thức cầm tay chỉ việc, giúp bà con nắm vững quy trình kỹ thuật, chủ động triển khai sản xuất.
Bên cạnh đó, xuất bản và phát hành các chuyên đề KH&CN đến Hội Nông dân về các quy trình kỹ thuật, công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp của địa phương. Ngoài ra, phối hợp với các đài phát thanh, đài truyền hình, cơ quan thông tấn báo chí thực hiện các phóng sự truyền hình, tin/bài truyền thông khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thứ ba là tích cực hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp, chú trọng hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương
Trong giai đoạn 2016-2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 27 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận (Gồm: “Cẩm Nê - Hòa Tiến”, “Giá đỗ Nghi An, hình”, “HTX NẤM NHƠN PHƯỚC, hình”, "Nấm Linh chi Đà Nẵng"; Trứng cút Hòa Phước; Gạo hữu cơ Hòa Phước; Rau củ quả Hòa Vang; Gạo hữu cơ Hòa Nhơn; Gạo hữu cơ Hòa Tiến; Thảm chân Xuân Phát; Hoa cây cảnh Vân Dương; Bưởi da xanh Hòa Ninh, Chè dây Hòa Bắc, Bánh khô mè Quang Châu, Bánh tráng Túy Loan, Kiệu hương Hòa Nhơn, Gạo Hòa Vang, Ớt Bồ Bản, Rượu cần Phú Túc, Mía Hòa Bắc; Dệt thổ cẩm Hòa Bắc, Gà đồi Hòa Vang, Đá trang trí Hòa Sơn, Giá cát Hòa Nhơn, Cá nước ngọt Hòa Khương, Gà đồi Đồng Nghệ, Lúa hữu cơ Hòa Khương), chiếm 82% tổng số lượt hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp do Sở KH&CN hỗ trợ trong 5 năm qua. Đồng thời, hiện tại, Sở đang phối hợp với UBND huyện Hòa Vang tiến hành khảo sát, chọn lựa 05 sản phẩm Gà đồi Hòa Bắc, Gà Kê Sơn, Nấm Hòa Phong, Chuối thanh tiêu Hòa Phú, tôm sấy khô Hòa Liên), đơn vị sở hữu sản phẩm để hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
5 sản phẩm được Sở KH&CN hỗ trợ đã được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu tập thể
Chủ động triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” ban hành tại Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Sở đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể Nước mắm Nam Ô của Làng nghề Nước mắm Nam Ô trên địa bàn quận Liên Chiểu, với kinh phí đã bố trí trong năm 2021 là 450 triệu đồng và có 02 đề tài cấp thành phố đang được tổ chức thực hiện để xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, hoàn thiện quy chế quản lý, tuyên truyền quảng bá sản phẩm hỗ trợ thương mại hóa; nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm… Đặc biệt, đang trình Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất 01 nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 “Bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm của thành phố Đà Nẵng”.
Hội thảo phát triển nhãn hiệu tập thể nước mắm Nam Ô
Ngoài ra, tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp nông thôn xét chọn và đề xuất UBND thành phố công nhận 18 sản phẩm OCOP trong năm 2020 (7 sản phẩm 4 sao, 11 sản phẩm 3 sao), trong đó có 08 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu/ kiểu dáng công nghiệp sản phẩm.
Nhìn chung, công tác hỗ trợ đã có những đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội và gìn giữ và phát triển các nghề, các sản phẩm truyền thống trên địa bàn thành phố, góp phần củng cố, phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Thứ tư là hỗ trợ tư vấn ISO 9001:2015
Hỗ trợ tư vấn xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO 9001:2015 cho 10 hợp tác xã (HTX dịch vụ tổng hợp Ô Long; HTX sản xuất và dịch vụ thương mại tổng hợp Hòa Thành; HTX kinh doanh chế biến nông lâm ngư nghiệp Sơn Trà; HTX giá đỗ Nghi An; HTX dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan; HTX Điện nước Hòa Liên; HTX Thực phẩm nông sản an toàn Thu Bồn; HTX Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1; HTX sản xuất rau an toàn La Hường; HTX Kinh doanh tổng hợp Hòa Phước).
Phương hướng hoạt động khoa học và công nghệ về nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời gian đến
Tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt là tiếp tục tiếp cận các Chương trình KH&CN quốc gia liên quan đến nông nghiệp nông thôn và ứng dụng công nghệ cao như Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, Chương trình Công nghệ cao, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN của thành phố để triển khai ứng dụng KH&CN, ưu tiên cho công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Xây dựng Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, trong đó sẽ có nội dung hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý,…), giống cây trồng; khai thác, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; thương mại hóa sản phẩm (tổ chức trưng bày, giới thiệu, triễn lãm…),… cho sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm của các hợp tác xã, làng nghề của quận, huyện.
Trong thời gian đến, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục góp phần xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
Nhấn vào link để biết thêm chi tiết: Sở Khoa học Và Công nghệ thành phố Đà Nẵng (danang.gov.vn)
Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng.