Hội đồng xét duyệt đề tài “Nghiên cứu xác định nguyên nhân và xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục “mùi gắt” trong nước mắm Nam Ô

Sở Khoa học và công nghệ Đà Nẵng tổ chức Hội đồng khoa học tư vấn đề xuất đặt hàng nhiệm vụ “Nghiên cứu xác định nguyên nhân và xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục “mùi gắt” trong nước mắm Nam Ô” vào ngày 05/03/2021. Hội đồng gồm các thành viên là đại diện của Sở Khoa học và công nghệ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm Đà Nẵng và các phòng, đơn vị thuộc Sở KH&CN.

Đề tài “Nghiên cứu xác định nguyên nhân và xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục “mùi gắt” trong nước mắm Nam Ô” thuộc Đề án "Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” của UBND Thành phố Đà Nẵng.

Nước mắm Nam Ô nổi tiếng gần, xa khắp nước, nhưng trong thời gian gần đây, cùng với sự ra đời của nhiều thương hiệu mới, và sự thay đổi thị hiếu của người dùng, nước mắm Nam Ô đã bắt đầu gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ngay cả với sản phẩm loại I, cũng chỉ được một số nhóm khách hàng quen với hương vị của sản phẩm ưa chuộng và ảnh hưởng không nhỏ cho lợi nhuận của người sản xuất. Vì vậy, rất cần các giải pháp giúp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm, bắt đầu bằng việc xem xét và cải tiến chất lượng sản phẩm nếu cần. Theo đại diện và hội viên của Hội Làng nghề Nước mắm Nam Ô, về mặt chất lượng, sản phẩm đã đạt đến độ hoàn thiện cao, tuy nhiên nhiều phản hồi thị trường cho thấy cũng cần có điều chỉnh nhỏ về hương vị, đặc biệt là xử lý “mùi gắt” của sản phẩm.

Hội đồng xét duyệt đề tài “Nghiên cứu xác định nguyên nhân và xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục “mùi gắt” trong nước mắm Nam Ô

Trên cơ sở đó, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng đẫ đề xuất đề tài KH&CN cấp Thành phố: “Nghiên cứu xác định nguyên nhân và xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục “mùi gắt” trong nước mắm Nam Ô”.

Đề tài nhằm hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, làng nghề nước mắm Nam Ô trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của làng nghề, làm cơ sở cho sự phát triển thị trường sản phẩm trong thời gian tới, xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch của TP. Đà Nẵng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thông qua Hội đồng xét duyệt, để đề tài được triển khai một cách hiệu quả, các thành viên hội đồng đã góp ý chỉnh sửa cho đơn vị đề xuất một số nội dung nghiên cứu để thuận lợi và hiệu quả cho quá trình nghiên cứu đề tài.

Nguồn Sở KH&CN TP. Đà Nẵng