Đề án 844: Hỗ trợ khởi nghiệp tập trung hơn

Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đã ra đời được gần năm năm. Theo ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng đề án, tài sản lớn nhất của họ là cơ sở dữ liệu và mối quan hệ thân thiết đối với các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đó là cơ sở để họ tạo ra những giá trị mới trong tương lai, đặc biệt là khi Chính phủ vừa ban hành Quyết định 188 nhằm hướng đề án này đạt được những mục tiêu lớn và tập trung hơn.

Dưới đây là một số điểm mới mà đội ngũ thực hiện đề án này kì vọng sẽ triển khai kể từ năm 2021.

                                

Quán quân Techfest 2019.

Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo Quyết định 188 mới của Thủ tướng, đề án 844 đã có thêm mục tiêu mới, đó là xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo trong đó có ba Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại ba thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh) và các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương, bộ, ngành, cơ sở khác.

Trung tâm này hoạt động như một one-stop shop, một điểm kết nối, là nơi để các cá nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước muốn tiếp cận, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bản địa phải tìm đến đầu tiên. Ông Phạm Dũng Nam chia sẻ rằng, các trung tâm này phải là nơi để các chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế, người Việt thành công ở nước ngoài có thể “phát huy tính sáng tạo và kinh nghiệm” ở Việt Nam.

Hoạt động của các trung tâm này không chỉ dừng lại ở việc tổ chức sự kiện, các chuyên gia chỉ “ghé qua” chia sẻ vài câu rồi rời đi. “Đó chỉ là hoạt động ban đầu của trung tâm khi khung hoạt động chưa hoàn thiện.” – Ông Nam cho biết. “Nhưng đến một thời gian nào đấy, trung tâm phải tạo ra một giá trị mới cho khởi nghiệp. Lúc đó mới có cơ chế để thu hút các chuyên gia”. Muốn như vậy, các trung tâm này không chỉ có cơ sở dữ liệu của các startup, chuyên gia, các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp mà còn phải nắm được năng lực của các cá nhân, tổ chức đó và nghiên cứu nhu cầu của các chuyên gia nước ngoài để kết nối đúng người, đúng thời điểm.

Trên thực tế, các trung tâm này sẽ giống như bản sao của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) được điều hành bởi chính nhân lực thuộc đề án 844 (bản thân ông Phạm Dũng Nam cũng là giám đốc trung tâm này). Theo đó, khi một cá nhân, tổ chức nước ngoài đến Việt Nam xây dựng một hệ thống thúc đẩy kinh doanh (business accelerators), bước thứ nhất họ sẽ cần tìm người để vận hành hệ thống đó. Bước thứ hai, họ cần tìm được địa điểm đặt các văn phòng hỗ trợ và làm việc với chính quyền các địa phương. Bước thứ ba, là trong quá trình triển khai hoạt động ươm tạo và hỗ trợ startup thì các tổ chức này vẫn cần đến mạng lưới của các chuyên gia Việt Nam. NSSC sẽ phải hỗ trợ kết nối trong cả ba bước trên.

Việt Nam đang là một điểm “nóng” về khởi nghiệp, nhận được sự quan tâm của nhiều quỹ mạo hiểm quốc tế trong thời gian gần đây. Các Trung tâm khởi nghiệp, nếu làm tốt, là một cách để thu hút đầu tư. Trong một tháng vừa qua, NSSC đã giúp quỹ đầu tư mạo hiểm Antler của Singapore và chương trình tư vấn đổi mới sáng tạo The Invention Lab của Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.

Innovation hub ở các trường đại học

Trường đại học vốn là nền tảng lý tưởng để khởi nghiệp: cơ sở vật chất, người cố vấn, người đồng sáng lập, và thậm chí có thể là một chút vốn hỗ trợ. Quan trọng hơn, nếu có ngã thì vẫn có một tấm lưới an toàn để đỡ đối với các nhà khởi nghiệp trẻ, đó là…tiếp tục học. Tuy nhiên, vào đầu những năm 2010 hệ sinh thái khởi nghiệp còn manh nha và cả vài năm đầu của đề án 844, trường đại học không phải là đối tượng được tập trung hỗ trợ. Cho đến tận bây giờ.

Trước đây, khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn mơ hồ trong các trường đại học ở Việt Nam. Sau nhiều năm với vô số phong trào và sự kiện, quan điểm của các trường về điều này mới thay đổi. Trong đó, phải kể đến sự xuất hiện của Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan đã nâng cao nhận thức của các trường đại học về đổi mới sáng tạo một cách bài bản với ba bước: Bước thứ nhất là đào tạo 12 chuyên gia đổi mới sáng tạo (innovation champions). Bước thứ hai, các chuyên gia này đào tạo các “giảng viên nguồn” ở các trường đại học. Bước thứ ba là tài trợ cho các cụm liên kết về đổi mới sáng tạo tại các trường đại học. Đó là nền tảng để đề án 844 giờ đây đẩy mạnh hình thành các innovation hub tại đây.

Nhiều trường đại học giờ đây có thể sẵn sàng dành riêng cơ sở vật chất, nhân lực, thậm chí cả tài trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Xây dựng hệ thống innovation hub có lẽ là một trong những ý tưởng khả thi nhất trong tương lai gần. Đề án 844 sẽ không cần bỏ ra quá nhiều nguồn lực, họ chỉ cần có hỗ trợ các trường một phần tài chính và tư vấn xây dựng innovation hub theo mô hình phù hợp với điều kiện thế mạnh của từng trường đại học. Các innovation hub đó có thể hoạt động như một tổ chức tiền thúc đẩy kinh doanh để “nuôi” các startup ở giai đoạn đầu, khi vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu để gọi vốn đầu tư. Các hub này cũng có thể hoạt động như một tổ chức kết nối giữa startup với các chương trình hỗ trợ bên ngoài hay cũng có thể hoạt động như một Fablab – xưởng tạo ra các sản phẩm thử nghiệm hoặc cũng có thể là sự kết hợp của nhiều loại hình nói trên.

Innovation hub sẽ xuất phát từ nhu cầu thực tế từ các trường đại học, thể hiện ở việc họ chủ động liên hệ với ban quản lý đề án hoặc từ khảo sát của đề án. Đề án đặt mục tiêu trong năm 2021 có thể xây dựng innovation hub trong Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Nền tảng kết nối giữa các thành tố trong hệ sinh thái

Một trong những nhiệm vụ của đề án 844 là xây dựng và vận hành (Quyết định 188 mới đây còn thêm nhiệm vụ “nâng cấp”) cổng thông tin hỗ trợ khởi nghiệp. Trên cổng này hiện có thông tin cơ bản (tên, địa chỉ, liên hệ) của 3000 startup, hơn 1500 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. gần 200 quỹ đầu tư và 300 cố vấn khởi nghiệp. Dữ liệu này được thu thập từ những đơn vị đăng ký tham dự Techfest qua các năm. Tuy nhiên, theo các quy định của chính phủ, cổng thông tin chỉ được phép đăng tải thông tin, rất khó để mở ra hoạt động trao đổi, chia sẻ, giao dịch của các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước trên đó.

Vì vậy, ban quản lý đề án 844 đã thực hiện một dự án “bên lề” khác, đó là xây dựng một nền tảng mà trên đó các startup, dịch vụ hỗ trợ startup, nhà đầu tư, các cố vấn khởi nghiệp có thể tự tìm kiếm và kết nối lẫn nhau. Theo ông Phạm Dũng Nam, nền tảng này sẽ được xây dựng xoay quanh người dùng của sự kiện Techfest (Techfest.vn). Các cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tham gia sự kiện sẽ có nhu cầu tìm kiếm đối tác nên khi đăng ký trên nền tảng này, họ có động lực để cập nhật các thông tin về bản thân mình. Việc đăng ký và kết nối trên Techfest.vn không phải là điều mới nhưng nó không được duy trì sau khi sự kiện kết thúc. Giờ đây toàn bộ dữ liệu và các hoạt động trên đó sẽ được duy trì và cập nhật liên tục.

Nền tảng này dự kiến sẽ do tư nhân đầu tư. Đề án 844 sẽ chỉ đóng vai trò bảo trợ và đưa ra các quy định về sử dụng và khai thác dữ liệu trên đó.

Những tham vọng khác…

Nền tảng kết nối có thể gọi là một dự án đầy tham vọng của ban quản lý đề án 844. Nó sẽ đem lại giá trị lớn cho hệ sinh thái khởi nghiệp nhưng để tạo ra một nền tảng với những kết nối sôi động, con đường phía trước còn nhiều khó khăn. Các nền tảng nổi bật trên thế giới hiện nay (như Crunchbase, nền tảng thông tin về startup và đầu tư trên thế giới) đều không chỉ dựa vào những thông tin mà cộng đồng tự cung cấp. Không có gì ngạc nhiên nếu những người đăng ký trên nền tảng “đánh bóng” hồ sơ của mình để làm đẹp trước mắt đối tác. Vì vậy, đằng sau một nền tảng thành công, cần một đội ngũ nhân sự hùng hậu lựa chọn, đánh giá, kiểm chứng và kiểm chứng thông dữ liệu, đảm bảo những thông tin tới người dùng là đáng tin cậy và có giá trị.

Đề án 844 cũng muốn hướng tới việc đầu tư có trọng tâm. Cụ thể là đánh giá được những địa phương nào có tiềm năng phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tập trung hỗ trợ và lựa chọn được những lĩnh vực startup cần đẩy mạnh.

Theo chia sẻ từ ông Phạm Dũng Nam, đề án 844 sẽ đánh giá tiềm năng địa phương dựa trên một số tiêu chí của tổ chức Startup Genome (Một tổ chức chuyên đánh giá, xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp của các thành phố trên thế giới) và Văn phòng đề án 844 cũng thực hiện một nghiên cứu về các tiêu chí này. Tuy nhiên, trên thực tế, Startup Genome không chỉ có các tiêu chí khi đánh giá một hệ sinh thái, họ còn có điều tra, khảo sát trên diện rộng kết hợp với những bộ dữ liệu lớn về startup và đầu tư mạo hiểm trên thế giới của các tổ chức uy tín.

Đối với việc lựa chọn lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo để tập trung hỗ trợ, khó khăn chính không nằm ở lựa chọn lĩnh vực nào mà ở hỗ trợ những gì? Hỗ trợ về mặt tài chính là điều rất khả thi nhưng chưa tạo ra tác động lớn. Startup còn mong muốn có thể được hỗ trợ về mặt thông tin, về mặt chính sách, đặc biệt nếu giải pháp của họ rất mới, luật pháp chưa quy định hay lĩnh vực của họ tham gia quá “khép kín”, chỉ dành cho các tập đoàn, doanh nghiệp truyền thống tham dự. Khi đó, để giúp các startup có thể bật lên, văn phòng đề án 844 phải bắt đầu xây dựng mối quan hệ mật thiết với các bộ, ngành khác.

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển