Tại Đà Nẵng, những năm qua, việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, bền vững, là hướng đi được thành phố quyết tâm, cùng với việc lồng ghép các mô hình tiêu biểu, điển hình gắn với xây dựng nông thôn mới đã được triển khai một cách hiệu quả.
Với mục tiêu đến năm 2025 hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều năm qua, Đà Nẵng từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, triển khai tốt các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thành phố đã định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với một số nội dung triển khai như: Đầu tư, nâng cấp vùng sản xuất rau an toàn, trong đó đầu tư hệ thống tưới thẩm thấu từ 5-8 ha kết hợp với sử dụng phân bón hữu cơ hóa lỏng. Xây dựng hệ thống nhà kính, điều khiển nhiệt độ, ẩm độ tưới tự động sản xuất rau cao cấp quy mô 2 – 5ha cho: dưa lưới ruột vàng, dưa hấu trái vụ, các loại rau ăn lá... Theo thống của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hòa Vang, đến năm 2020, 40% diện tích rau chuyên canh đều ứng dụng nhà màng, áp dụng công nghệ tưới tự động, xử lý thuốc vi sinh, dùng phân bón hữu cơ hóa lỏng; Tiếp tục phát triển và duy trì vùng rau an toàn toàn hiện có với diện tích 65,5 ha. Đầu tư hệ thống tưới thẩm thấu từ 15-20 ha kết hợp với sử dụng phân bón hữu cơ hóa lỏng, 40% diện tích rau chuyên canh đều ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao.
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số giống Dưa thơm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” được triển khai tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng
Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã triển khai được 7 mô hình ứng dụng công nghệ cao với tổng quy mô khoảng 6 ha trong đó chủ yếu tập trung tại địa bàn các xã như Hòa Khương, Hòa Phú và Hòa Ninh. Trong đó sản phẩm dưa lưới được triển khai thí điểm hơn 1ha đã được trồng theo hình thức trên giá thể trong nhà màng mang lại hiệu quả và lợi nhuận khá cao với sản lượng ước tính đạt khoảng 30 tấn/1ha. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và người sản xuất tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ kho học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo hướng hàng hóa, hiện đại.
Dưa lưới được xem là loại quả lành tính mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Hàm lượng nước của dưa lưới đạt đến 88%, hàm lượng potassium khoảng 300mg/100g nên có chức năng thanh lọc, tốt cho người cần giảm cân. Chất xơ và vitamin trong dưa giúp nhuận tràng và tăng cường miễn dịch. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dưa lưới đảm bảo sạch giúp phòng ung thư, có lợi cho phổi, tốt cho tim, kiểm soát sự thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể. Ngoài ra, dưa lưới rất tốt cho hệ tiêu hóa, người bị tiểu đường và đặc biệt giúp đẹp da nên được nhiều người ưa chuộng. Quả dưa lưới có dạng tròn hoặc oval nhưng đều có đặc điểm chung là lớp vỏ cứng màu xanh với những đường gân trắng đan nhau dày đặc tạo thành lớp lưới đẹp mắt và độc đáo.
Công nghệ sản xuất dưa thơm, dưa lê Hàn Quốc đã được các cơ quan Viện, trường nghiên cứu thông qua các nhiệm vụ KH&CN ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh/thành phố, kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu thành công và được công nhận để nhân rộng ra phạm vi rộng. Viện Nghiên cứu Rau quả là một trong nhưng đơn vị có chuyên môn sâu và đã có nhiều nghiên cứu thành công được công nhận và cho phép chuyển giao đảm bảo tính hợp lệ, được cụ thể công nghệ giống gắn với công nghệ thiết bị, các tổ chức hỗ trợ công nghệ đều là đơn vị có kinh nghiệm và uy tín, đơn vị cung cấp thiết bị tiềm lực, có đội ngũ chuyên gia hàng đầu phần lớn gắn liến với các công trình nghiên cứu hoặc triển khai thực nghiệm trực tiếp đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.
Với một số lợi ích về kinh tế và mục đích hỗ trợ phát triển sản phẩm dưa thơm ứng dụng công nghệ cao tại Đà Nẵng, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đã phối hợp Viện nghiên cứu Rau Quả - Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Cơ sở xã hội Bầu Bàng thành phố Đà Nẵng tổ chức triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số giống Dưa thơm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Sau hơn 10 tháng triển khai, Dự án cơ bản đã hoàn thiện các hạng mục xây dựng, gieo trồng giống và cây phát triển rất tốt.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng thăm Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số giống Dưa thơm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”
Anh Nguyễn Thành Công – Chủ nhiệm dự án cho biết: Dự án đã sử dụng kết quả nghiên cứu của Viện cây lương thực và thực phẩm với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số loại rau phục vụ nội tiêu và xuất khẩu ở các tỉnh phía Bắc”. Đề tài đã nghiên cứu tuyển chọn được các giống dưa thơm gồm giống dưa lưới Melon-Gold coast, Kim Hoàng Hậu, Kim Cô Nương. Đồng thời, đề tài cũng đã xây dựng được quy trình công nghệ ứng dụng công nghệ cao và được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận.
Với những biện pháp kỹ thuật như xây dựng nhà màng, nhà lưới, thiết bị công nghệ tưới tự động, treo cây, thông gió, làm mát, cây dưa được các học viên tại Cơ sở Bầu bàng bảo vệ và chăm sóc một cách tốt nhất, tránh được các điều kiện thời tiết cực đoan như mưa bão, nắng nóng và tránh gần như 80% sâu hại cây, phòng tránh được 80% số bệnh và nguồn bệnh hại cây trồng, tránh phải sử dụng cách loại thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khỏe con người đồng thời tăng năng suất và chất lượng của cây trồng trong khi giảm được 70% nhân công, sản phẩm làm ra sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi cây đến độ tuổi thu hoạch thì cắt nước, phân theo yêu cầu từng loại cây để đảm bảo chất lượng và vệ sinh ATTP theo tiêu chuẩn.
Các học viên tại cơ sở xã hội Bầu Bàng tiến hành xây dựng các mô hình nhà màng, nhà lưới và một số thiết bị công nghệ theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật
Theo Ông Lê Văn Hai - Phó Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu bàng, Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số giống Dưa thơm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” đã đem lại rất nhiều kết quả tích cực tại Cơ sở. Từ khi triển khai, dự án đã tạo thêm một số công việc ổn định, tăng tinh thần đoàn kết cho các học viên tại cơ sở. Dự kiến vụ trồng thứ nhất sẽ được thu hoạch vào cuối tháng 3/2021. Bên cạnh đó, Dự án còn giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho Cơ sở, các học viên tham gia dự án, có đủ điều kiện để áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến và sử dụng những tiến bộ kỹ thuật mới về công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới của Việt Nam và thế giới. Dự án giúp các học viên được tiếp cận với khoa học kỹ thuật sau này có thể triển khai các dự án tương tự. Việc thực hiện dự án còn có tác dụng nâng cao năng lực quản lý, năng lực chỉ đạo kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật của Cơ sở, giúp họ có thêm kinh nghiệm, làm tốt hơn nhiệm vụ được giao, nhất là giúp cho Cơ sở có thêm nghề đào tạo cho học viên sau khi cai nghiện.
Thành phố Đà Nẵng hiện nay đã quy hoạch cho 7 khu nông nghiệp công nghệ cao, nên đây sẽ là hiệu ứng mạnh cho việc phát triển nhân rộng mô hình của dự án, làm tiền đề hướng tới xây dựng khu công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố.
Nguồn: Sở KH&CN TP. Đà Nẵng