Bảng Xếp Hạng Webometrics Thế Giới: Trường Đại Học Đông Á được xếp hạng 73 trong tổng số 180 trường ở Việt Nam

Cải thiện thứ hạng đại học trong bảng xếp hạng của các tổ chức nổi tiếng thế giới là một chủ đề ngày càng được các trường đại học quan tâm, không chỉ ở các nước phát triển mà ngay cả ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, sự quan tâm này cũng bắt đầu xuất hiện trong vài năm gần đây ở nhiều trường đại học, nhất là đối với các tổ chức xếp hạng có cách đánh giá không quá đặt nặng yếu tố nghiên cứu khoa học trong hệ thống tiêu chí đánh giá, chẳng hạn như Webometrics.

        Webometrics là tên gọi tắt của sáng kiến “Webometrics Ranking of World Universities” được khởi xướng từ năm 2004 bởi Cybermetrics Lab, một trung tâm nghiên cứu thuộc Consejo Superior de Investigaciones Científicas (CSIC), Tây Ban Nha. Mục tiêu chính của dự án này là phổ biến các thông tin hữu ích, đáng tin cậy, đa chiều và cập nhật về tất cả các trường đại học trên thế giới dựa trên các chỉ số đo về độ hiện diện web (Web presence) và tác động (Impact) của chúng.

    Từ năm 2006, các bảng xếp hạng theo châu lục được Webometrics cập nhật và công  bố trên trang web http://www.webometrics.info vào tháng 1 và tháng 7 hằng năm. Tính đến đợt công bố vào tháng 1/2016, đã có tất cả 19.403 trường đại học trên toàn thế giới được Webometrics đánh giá. Báo cáo năm 2013 của Hiệp hội các trường đại học châu Âu đã ghi nhận sự quan tâm ngày càng gia tăng về chất lượng học thuật của các trang web trường đại học, nhất là từ khi xuất hiện cách xếp hạng mới của Webometrics vào năm 2012 (bổ sung thêm Chỉ số xuất sắc - Excellenceindicator, là số bài báo nằm trong danh sách 10% các bài báo được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới dựa trên cơ sở dữ liệu của SCImago – một tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học, gồm các cơ sở nghiên cứu của Tây Ban Nha như Consejo Superior de Investigaciones Científicas (CSIC), Đại học Granada, Extremadura, Carlos III (Madrid) và Alcalá de Henares. Bên cạnh đó, do hầu hết các tổ chức xếp hạng đại học có uy tín cao đều sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong việc đánh giá hoạt động trích dẫn khoa học, Hiệp hội cũng đề nghị các trường đại học thuộc các quốc gia không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức cần quan tâm đến phiên bản tiếng Anh của các hoạt động và sản phẩm học thuật được công bố trên trang website của trường.

        Sự tiến bộ đợt xếp hạng tháng 7.2021 so với đợt tháng 1.2021 được ghi nhận chủ yếu từ việc tăng trưởng chỉ số Openness rank (Top cited researchers): từ thứ hạng ngoài 100 vượt lên thứ hạng 73 trên tổng số 180 trường đại học ở Việt Nam. Chỉ số này gắn với kết quả phát triển cộng đồng Google Scholar thương hiệu @donga.edu.vn. Từ chỗ hình thành tự phát với 20-30 hồ sơ, trong 3 tháng qua Nhà trường đã động viên các giảng viên xây dựng các hồ sơ, hình thành cộng đồng hơn 100 thành viên trong đó có hơn 80 hồ sơ đã có trích dẫn. Đây là diễn đàn trao đổi thông tin, hỗ trợ công bố khoa học,… của giảng viên trường Đại học Đông Á

PHƯƠNG PHÁP XẾP HẠNG CỦA WEBOMETRICS

       Webometrics xếp hạng website trường đại học không chỉ dựa vào quy mô, số lần truy cập, hình thức thiết kế website mà còn căn cứ vào việc công bố điện tử các kết quả nghiên cứu, các tài liệu và thông tin khoa học thông qua bốn chỉ số: Chỉ số nhận diện, Chỉ số quy mô, Chỉ số phong phú dữ liệu, Chỉ số thư tịch khoa học. Cả bốn chỉ số này đều được đo lường dựa trên trang web của trường đại học.

  • Chỉ số nhận diện (V - Visibility, 50%)

chỉ số nhận diện (V) đại diện cho khía cạnh ảnh hưởng giáo dục và danh tiếng của trường đại học. Ưu điểm của phương pháp này là đưa ra ảnh hưởng của các trường đại học với nhau, các trường đại học trong nước và ngoài nước, các tổ chức giáo dục, các tổ chức xã hội trên cơ sở đồ thị web đã được xây dựng bởi hai nhà cung cấp Majestic SEO, Ahrefs.

  • Nhóm các chỉ số hoạt động khoa học (Activity, 50%)

Chỉ số gồm Mức độ Mở hay Minh bạch (Openness or Transparency) (10%) và Mức độ Xuất sắc (Excellence) (40%)

-Với tiêu chí Mở hay Minh bạch (Openness or Transparency) là Số lượng trích dẫn các công trình khoa học như số lượng các bài báo, luận án, luận văn, công trình nghiên cứu khoa học, ấn phẩm khoa học, trích dẫn trên các tên miền học thuật (Academic Domain) trên nguồn dữ liệu Google Scholar. Chỉ số này ghi nhận mức độ lan tỏa về học thuật của trường đại học. Chỉ số này được tính toán thông qua công cụ tìm kiếm Google Scholar, với cú pháp tìm kiếm dạng: <tên miền>, ví dụ: https://donga.edu.vn/hoặc donga.edu.vn.  Đây là chỉ số liên quan đến sức mạnh cộng đồng Google Scholar của trường đại học.

        Không thể không kể đến việc liên tục cập nhật, cải tiến các chỉ số, quy trình đo lường, nguồn lấy dữ liệu của những người thực hiện Webometrics nhằm cung cấp một bảng xếp hạng tin cậy hơn, chính xác hơn.Đơn cử gần nhất về sự cải tiến này là việc thay đổi nguồn lấy dữ liệu từ Google sang Google Scholar (trang web riêng biệt của Google dành riêng cho các ấn phẩm khoa học) đối với chỉ số Mức độ mở (openess).Bằng thay đổi này, Webometrics đã loại bỏ được các yếu tố phi học thuật ra khỏi tính toán của mình, cụ thể: trước đây, với nguồn dữ liệu Google, một tài liệu hành chính – ví dụ đơn xin bảo lưu kết quả học tập của sinh viên nếu được thiết kế đúng cũng sẽ giúp trường đại học được tăng điểm cho chỉ số Openess; tuy vậy, với nguồn dữ liệu Google Scholar, phải là các công trình khoa học thực sự mới được tính điểm.

-Với tiêu chí Mức độ Xuất sắc (Excellence) (40%): Chỉ số xếp hạng lượng bài báo của nhà trường trong nhóm 10% bài báo được trích dẫn nhiều nhất thuộc 26 nhóm lĩnh vực chuyên môn trong cơ sở dữ liệu Scopus (giai đoạn 2013-2017). Dữ liệu lấy từ CSDL Scopus. Đây là chỉ số đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu đỉnh cao của trường đại học.

Phương pháp xếp hạng của Webometrics