Thông báo về việc hướng dẫn đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2025 tỉnh Bình Định

Căn cứ Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND ngày 07/01/2022 của UBND tỉnh Bình Định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 63/2020/QĐ-UBND ngày 08/9/2020 của UBND tỉnh Bình Định Ban hành Quy chế quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Định;

Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2025 theo các định hướng sau đây:

I. Các nhiệm vụ trọng tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

1. Khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường;

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải trong công nghiệp, sinh hoạt, bảo vệ môi trường sinh thái;

- Nghiên cứu các biện pháp về bảo đảm an toàn bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp;

- Nghiên cứu nâng cao năng lực dự báo, quan trắc, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, chủ động phòng tránh, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo vệ, phòng chống tình trạng cát bay, sa mạc hóa ở một số vùng ven biển. Bảo vệ không gian thoát lũ lưu vực các sông trên địa bàn tỉnh;

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ cảnh báo, dự báo cấp độ rủi ro thiên tai do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết cực đoan trên địa bàn tỉnh;

- Ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, sạt lở đất nhằm nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời với độ tin cậy chính xác cao, đặc biệt là thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường.

2. Khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu, ứng dụng các vấn đề liên quan trong việc tổng hợp, hệ thống hóa, việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực;

- Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh như: thức ăn chăn nuôi, chế biến nông - lâm - thủy sản, vật liệu xây dựng, dược phẩm… Tăng cường ứng dụng công nghệ mới đi đôi với bảo vệ môi trường (sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường);

- Nghiên cứu hướng phát triển ngành công nghiệp sản xuất các phụ tùng, trang thiết bị phục vụ ngành nông nghiệp và y tế;

- Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ phù hợp phục vụ phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề;

- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch phục vụ thị trường trong và ngoài nước;

- Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp…;

- Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ quy hoạch, thiết kế và xây dựng mới phù hợp điều kiện của tỉnh; phát triển vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng;

- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất sạch trong các ngành công nghiệp khai thác và chế biến;

- Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống trên địa bàn tỉnh;

- Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tự động hoá vào sản xuất và đời sống;

- Nghiên cứu công nghệ phục vụ quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả an toàn - an ninh hệ thống giao thông; phát triển tổng thể hệ thống giao thông thông minh tại tỉnh;

- Thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, đổi mới, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất, công nghệ quản lý tiên tiến; hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường;

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực quản lý, sản xuất trong bối cảnh công nghệ 4.0;

- Nghiên cứu các nhiệm vụ, mô hình về khởi nghiệp, ứng dụng AI trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp giúp hình thành sản phẩm mới, doanh nghiệp mới;

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quảng bá và xúc tiến phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định;  

- Nghiên cứu, ứng dứng công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

- Ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong các ngành công nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh khí thải;

- Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại;

- Nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực kiến trúc; ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, chuyển đổi số vào trong quản lý và phát triển hoạt động kiến trúc đảm bảo phát triển kiến trúc bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu;

- Ứng dụng, lựa chọn công nghệ tiên tiến phù hợp trong xử lý rác, chất thải; chất thải rắn tái chế nhựa; các nghiên cứu vật liệu thay thế nhựa dùng 01 lần; hướng dẫn, giám sát việc chuyển giao và áp dụng công nghệ mới trong BVMT và xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, ứng dụng KH&CN trong việc giảm phát thải khí mê tan;

- Nhiệm vụ KH&CN liên quan về biển và hải đảo; công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong bối cảnh các thách thức mới nổi về an ninh môi trường biển.

3. Khoa học nông nghiệp

- Nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, phù hợp ở các vùng sinh thái theo xu hướng giống chất lượng và thích ứng biến đổi khí hậu. Chú trọng nghiên cứu phát triển cây dược liệu có giá trị cao, có thị trường tiêu thụ;

- Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm... để giảm thiểu mùi hôi tránh gây ô nhiễm môi trường đảm bảo an toàn sinh học;

- Xây dựng, nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, hình thành các vùng sản xuất tập trung, các vùng sản xuất lúa, lạc chất lượng cao; quy hoạch phát triển diện tích mía, ngô, sắn hợp lý để phục vụ công nghiệp chế biến;

- Xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện Chương trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản;

- Phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp điều kiện địa hình của địa phương. Đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác và xuất khẩu thủy, hải sản. Xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp;

- Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. 4. Khoa học y, dược

- Ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong y học hiện đại để chẩn đoán và điều trị bệnh;

- Đề xuất các mô hình, giải pháp dự phòng, kiểm soát, phòng chống và điều trị các bệnh, dịch nguy hiểm có nguy cơ lây lan rộng và dự phòng, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, đái tháo đường, sức khỏe tâm thần cộng đồng, các bệnh về phổi...);

- Nghiên cứu mô hình, giải pháp tăng cường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em; mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu, bác sĩ gia đình;

- Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong công tác dự phòng, bảo vệ sức khỏe nhân dân;

- Nghiên cứu mô hình và các giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các mặt: quản lý chất lượng các bệnh viện, quản lý y tế ngoài công lập, quản lý dược phẩm, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới sản xuất một số loại thuốc mới và thuốc điều trị ung thư có chất lượng tương đương với sản phẩm các nước tiên tiến, có giá thành phù hợp, góp phần phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân;

- Nghiên cứu liên quan đến vấn đề chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời trên địa bàn tỉnh;

- Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật mới trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước khi kết hôn, trước sinh, sơ sinh. 5. Khoa học xã hội và nhân văn

- Nghiên cứu cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh;

- Nghiên cứu xây dựng, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ở trong và ngoài nước;

- Nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh;

- Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học và kỹ năng sáng tạo cho học sinh;

- Nghiên cứu, xây dựng các nhiệm vụ nhằm sưu tầm, bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc, lịch sử và các nhân vật lịch sử của tỉnh;

- Nghiên cứu thúc đẩy, triển khai ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở trong và ngoài nước;

- Nghiên cứu các giải pháp trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật;

- Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo liên quan đến giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. II. Yêu cầu chung:

- Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đề xuất đặt hàng để giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực, địa phương mình quản lý.

- Có khả năng ứng dụng vào thực tế, có địa chỉ áp dụng cụ thể và có khả năng mang lại hiệu quả cao hơn so với hiện tại.

- Tính cấp thiết, tính khoa học, tính thực tiễn và có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi tỉnh.

- Cung cấp đầy đủ các nội dung cơ bản theo các biểu mẫu (được gửi kèm).

III. Hình thức đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN năm 2025

1. Phiếu đề xuất và phiếu đề xuất đặt hàng (có phụ lục kèm theo)

(Biểu mẫu phiếu đề xuất và phiếu đề xuất đặt hàng tải về tại địa chỉ http://skhcn.binhdinh.gov.vn mục Thông báo -> Hướng dẫn đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2025)

2. Phiếu đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN gửi bằng văn bản đến Sở Khoa học và Công nghệ và Đăng ký trên website của Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định (Sở Khoa học và Công nghệ không tổng hợp những đề xuất đặt hàng không được đăng ký trên website) theo đường dẫn sau: http://skhcn.binhdinh.gov.vn -> vào mục “Đăng ký đề tài - dự án”.

3. Thời gian đăng ký: từ ngày thông báo đến hết ngày 31/7/2024.

4. Địa điểm nhận đăng ký: Phòng Quản lý khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định. (Số 208, Diên Hồng, TP. Quy Nhơn)

Căn cứ vào nội dung chủ yếu các lĩnh vực trọng điểm nêu trên, đề nghị các tổ chức, cá nhân đề xuất cụ thể từng nhiệm vụ KH&CN và gửi về Sở Khoa học và Công nghệ theo đúng mẫu và thời gian quy định. Nếu quá thời gian quy định hoặc các phiếu đề xuất thể hiện không đầy đủ các nội dung, Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm./

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định