THÔNG BÁO Về việc đề xuất, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh bắt đầu thực hiện từ năm 2024

Căn cứ Thông tư số 06/2023/TT-BKHCN ngày 25/5/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư số 06/2023/TT-BKHCN) và Quyết định số 37/2018/QĐ-UBND ngày 14/12/2018 của UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quy định quản lý nhà nước việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông trân trọng thông báo đến các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; các Viện nghiên cứu; trường Đại học, Cao đẳng; các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện từ năm 2024, với những nội dung sau:

I. NGUYÊN TẮC ĐỀ XUẤT, ĐẶT HÀNG NHIỆM VỤ

Việc lựa chọn, đề xuất hoặc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2024 phải bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông; thực tiễn các ngành, lĩnh vực của Đắk Nông hiện nay, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả bằng sản phẩm gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh; có địa chỉ ứng dụng cụ thể và cam kết sử dụng kết quả tạo ra khi nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoàn thành, đáp ứng với thực tiễn và đảm bảo theo quy định. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải đảm bảo: tính mới và khoa học, tiến bộ, có thể áp dụng và nhân rộng. Cụ thể:

- Ưu tiên những nhiệm vụ phát triển 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương: (i) Phát triển công nghiệp Alumin, luyện Nhôm và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp Nhôm quốc gia; (ii) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; (iii) Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

- Khuyến khích nghiên cứu các vấn đề thực hiện các khâu đột phá, giải quyết các "điểm nghẽn" của địa phương; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công, nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ công, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, phát triển sản phẩm quốc gia, sản phẩm đặc trưng của tỉnh dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao; bảo vệ môi trường trong các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn.

- Các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh lựa chọn các đề xuất đặt hàng, tổ chức lấy ý kiến tư vấn thông qua hội đồng tư vấn hoặc chuyên gia độc lập đối với đề xuất đặt hàng. Trên cơ sở ý kiến tư vấn, các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố hoàn thiện và gửi đề xuất đặt hàng cho Sở Khoa học và Công nghệ.

- Các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đặt hàng ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

II. ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG

1. Đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên

- Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu nhận dạng bản chất, nguyên nhân, tác động của thiên tai, tương tác giữa tự nhiên - con người - xã hội, quá trình biến đổi khí hậu làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất và thực hiện các giải pháp hạn chế, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

- Đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành giữa khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn nhằm xác lập luận cứ khoa học cho việc xây dựng quy hoạch, hoạch định, hoàn thiện chính sách phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế bền vững; nghiên cứu liên ngành giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn về bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững.

- Tập trung nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng nhằm tiếp thu, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn để đưa vào ứng dụng nhanh, sáng tạo, có hiệu quả và phổ biến rộng rãi các công nghệ tiên tiến trong các hoạt động sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, đời sống và quản lý xã hội nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, các ngành và nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Đối với lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà địa phương có lợi thế để tạo ra các sản phẩm trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ, như: Y tế, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, tài nguyên và môi trường…

- Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở một số lĩnh vực ưu tiên, như: quản lý nông nghiệp, quản lý tài nguyên, quản lý đô thị, quản lý xã hội… tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Xây dựng Chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, an toàn, hiện đại, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

- Khuyến khích sử dụng vật liệu mới trong công tác xây dựng cơ bản, giao thông và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; ứng dụng khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...; nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường nhằm thay thế nhựa trong sản xuất, kinh doanh, tái chế và xử lý rác thải nhựa; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về xử lý chất thải rắn, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp phát sinh sau thu hoạch, chế biến, xử lý chất thải hữu cơ tại chỗ để áp dụng tại các hộ gia đình và khu vực nông thôn. Đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả trồng trọt, quản lý chất thải và xử lý nước thải, sử dụng nhiên liệu trong các ngành công nghiệp nhằm giảm phát sinh khí mê-tan. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, công nghệ 4.0 phục vụ phân tích, dự báo tình hình xuất nhập khẩu lâm sản, thủy sản; hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến lâm sản.

3. Đối với lĩnh vực khoa học y, dược

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ sinh học trong phát triển vùng nguyên liệu, bảo quản, chế biến các loại cây dược liệu và các sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu các giải pháp kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh tật, cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Nghiên cứu dịch tễ, mô hình, cơ cấu bệnh tật ở địa phương.

4. Đối với lĩnh vực khoa học nông nghiệp

- Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, tập trung vào các giống cây trồng, vật nuôi sạch bệnh, có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái và yêu cầu sản xuất tại địa phương, các quy trình canh tác, quy trình tưới, bón phân, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ nông sản, trong đó đặc biệt tập trung vào 03 sản phẩm chủ lực: Bơ, Mắc ca, Chanh dây.

- Phục tráng, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen các giống cây trồng, vật nuôi quý hiếm, đặc sản có giá trị của địa phương.

- Nghiên cứu, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo theo các tiêu chuẩn của các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, như: VietGap, Global Gap, GAP, Hữu cơ.... Nghiên cứu các giải pháp hạn chế ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật, hóa học trong sản xuất nông nghiệp.

- Xây dựng, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng cho sản phẩm nông sản. Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm, tiêu chuẩn hóa, đăng ký công bố chất lượng sản phẩm OCOP, hỗ trợ các địa phương đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP.

- Các giải pháp thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị gia tăng gắn với chế biến, tiêu thụ…

5. Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn

- Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn các chính sách và đề xuất giải pháp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

- Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

- Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá của tỉnh; phát triển du lịch gắn với xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

- Nghiên cứu về chính sách đổi mới xanh, tập trung về các khía cạnh môi trường kết hợp sinh thái, xã hội phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa.

- Nghiên cứu đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo trong hệ thống trường học, trường dạy nghề.

- Nghiên cứu gắn phát triển kinh tế - xã hội địa phương với quản lý điều hành công tác dân số; hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu, cơ sở dữ liệu chuyên ngành dân số và phát triển kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; công tác gia đình...

* Lưu ý: Để tránh trùng lặp với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đã thực hiện, đề nghị các tổ chức, cá nhân tra cứu theo địa chỉ: http://skhcn.daknong.gov.vn/co-so-du-lieu/danh-muc-de-tai-du-an

III. HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG VÀ THỜI GIAN NHẬN PHIẾU ĐỀ XUẤT, ĐẶT HÀNG

1. Trình tự đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện theo Điều 7, Thông tư số 06/2023/TT-BKHCN; Mẫu phiếu đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện theo các Mẫu A1-ĐXNV, Mẫu A2- ĐXNV, Mẫu A3-ĐXNV kèm theo Thông báo này.

2. Trình tự xây dựng đề xuất, đặt hàng thực hiện khoa học và công nghệ cấp tỉnh theo Điều 8, Thông tư số 06/2023/TT-BKHCN và tổng hợp theo Mẫu B1-ĐXĐH kèm theo Thông báo này.

3. Phiếu đề xuất, Bảng tổng hợp danh mục đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2024 gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông trước ngày 30/9/2023, theo địa chỉ: Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông (Số 02, đường Phan Kế Bính, P. Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. File word phiếu đề xuất, đặt hàng gửi về địa chỉ Email: pqlkhskhcndaknong@gmail.com. Mọi thông tin, chi tiết xin liên hệ theo Số điện thoại: 02613.600.111.

Trên đây là Thông báo về việc đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh bắt đầu thực hiện từ năm 2024. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông trân trọng thông báo đến đến các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa; các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham gia đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện từ năm 2024./.

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông