Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) thông báo tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ nghiên cứu sau tiến sỹ (bao gồm cả 2 lĩnh vực khoa học tự nhiên & kỹ thuật và khoa học xã hội & nhân văn) trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ Quốc gia. Chương trình được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-BKHCN ngày 15/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
1. Nội dung và mức hỗ trợ:
– Chi phí đi lại trực tiếp tới đơn vị chủ trì nghiên cứu sau Tiến sĩ và ngược lại (hỗ trợ một lần đối với người không sống tại tỉnh, thành phố có đơn vị chủ trì nghiên cứu sau Tiến sĩ);
– Sinh hoạt phí theo định mức công lao động đối với thành viên thực hiện nhiệm vụ KHCN quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015trong thời gian không quá 12 tháng.
2. Điều kiện xem xét hỗ trợ:
– Có bằng Tiến sĩ và là tác giả chính (tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ) của ít nhất một (01) bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín trong thời gian năm (05) năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ. Quỹ ưu tiên xem xét đối với nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập (theo quy định tại Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ). Tra cứu danh mục tạp chí: https://nafosted.gov.vn/van-ban-quan-ly/
- Đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật: Quyết định số 95/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 30/12/2021 và Quyết định số 151/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 09/8/2019).
- Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Quyết định số 251/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 11/12/2019.
– Được một nhà khoa học của Việt Nam nhận bảo trợ thực hiện nghiên cứu sau Tiến sĩ. Người bảo trợ nghiên cứu sau Tiến sĩ phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn:
i) Là tác giả chính của ít nhất một (01) bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI có uy tín trong thời gian năm (05) năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ;
ii) Không là người hướng dẫn nhà khoa học đề nghị hỗ trợ tại bậc đào tạo Tiến sĩ;
– Có tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam nhận làm đơn vị chủ trì nghiên cứu sau Tiến sĩ. Đơn vị chủ trì phải có đủ điều kiện cơ sở vật chất để triển khai nghiên cứu, đồng ý tiếp nhận người đến thực hiện nghiên cứu sau Tiến sĩ và đồng ý hỗ trợ, tạo điều kiện, cho phép sử dụng trang thiết bị của đơn vị để triển khai nghiên cứu. Quỹ ưu tiên xem xét đối với trường hợp đơn vị chủ trì nghiên cứu sau Tiến sĩ khác với đơn vị đào tạo Tiến sĩ, khác với cơ quan công tác của nhà khoa học đề nghị hỗ trợ.
3. Yêu cầu về kết quả thực hiện nghiên cứu sau Tiến sĩ:
– Là tác giả chính của ít nhất một (01) bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín có nội dung phù hợp với hướng nghiên cứu đã đăng ký;
– Các kết quả nghiên cứu có ghi nhận sự hỗ trợ của Quỹ.
Lưu ý:
– Nhà khoa học thực hiện nghiên cứu sau Tiến sĩ có thể được nhận công lao động khoa học do người bảo trợ nghiên cứu sau Tiến sĩ chi trả từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác;
– Trường hợp người bảo trợ nghiên cứu sau Tiến sĩ là chủ nhiệm đề tài các cấp sử dụng kinh phí đề tài chi trả thêm công lao động, nguyên vật liệu và các chi phí khác có liên quan để thực hiện nghiên cứu sau Tiến sĩ, bài báo quốc tế / ISI có uy tín là kết quả nghiên cứu sau Tiến sĩ được công nhận đồng thời là kết quả của đề tài.
4. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhà khoa học thực hiện nghiên cứu sau Tiến sĩ:
Hồ sơ đăng ký được nhập trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Quỹ (https://dichvucong.nafosted.gov.vn/danh-sach-dich-vu-cong/) theo biểu mẫu quy định, bao gồm:
– Đơn đề nghị hỗ trợ của người đăng ký thực hiện nghiên cứu sau Tiến sĩ;
– Lý lịch khoa học của người đăng ký thực hiện nghiên cứu sau Tiến sĩ;
và tải lên các tệp sau:
(1) Bản sao Bằng Tiến sĩ;
(2) Các tài liệu chứng minh là nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập (nếu có);
(3) Thuyết minh đề cương nghiên cứu sau Tiến sĩ (làm rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp, kế hoạch nghiên cứu và dự kiến kết quả đạt được) có xác nhận của người bảo trợ và đơn vị chủ trì nghiên cứu;
(4) Đơn đề nghị hỗ trợ của người bảo trợ nghiên cứu sau Tiến sĩ theo Mẫu NCNLQG 05;
(5) Lý lịch khoa học của người bảo trợ nghiên cứu sau Tiến sĩ theo Mẫu NCNLQG 02
5. Thông tin về tiếp nhận hồ sơ:
Sau khi hoàn thiện hồ sơ đăng ký và nộp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến, Nhà khoa học gửi hồ sơ tới Quỹ để hoàn thành việc đăng ký theo 1 trong 2 cách sau:
a. Nộp hồ sơ điện tử (ký số)
– Ký số chữ ký của người đăng ký, người bảo trợ, lãnh đạo cơ quan chủ trì và cơ quan công tác (bằng Token) trong bộ hồ sơ tải lên Cổng Dịch vụ công trực tuyến.
b. Nộp hồ sơ bản giấy
– In hồ sơ được xuất ra từ Cổng Dịch vụ công trực tuyến (bao gồm tất cả các tệp đã tải lên), ký và xác nhận bằng bút mực xanh, dấu đỏ.
– Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ: Văn phòng Quỹ NAFOSTED – phòng 405, số 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngoài phong bì ghi rõ: Hồ sơ đăng ký Sau tiến sỹ năm 2022.
Quỹ khuyến khích nhà khoa học nộp hồ sơ điện tử (ký số) trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến.
6. Thông tin các mốc thời gian liên quan đến xử lý hồ sơ:
– Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ ngày 06/9/2022 đến hết ngày 06/10/2022.
Nếu hồ sơ gửi qua đường bưu điện, thời gian nộp hồ sơ được xác định theo dấu bưu điện tại phong bì.
– Thông báo kết quả: Ngày 16/11/2022
– Ký hợp đồng và cấp kinh phí: Năm 2023 (theo phê duyệt cấp ngân sách nhà nước cho Quỹ)
Để có thêm thông tin trong trường hợp cần thiết, xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại 024 3936 7750 máy lẻ 202 (trong giờ hành chính).
Nguồn: https://nafosted.gov.vn/