Thông báo đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2024 - 2025 tỉnh An Giang

Căn cứ Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND ngày 17/02/2016 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành quy định quản lý thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang trân trọng đề nghị các Sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đề xuất nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2024-2025 và những năm tiếp theo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang, cụ thể như sau:

1. Các tiêu chí chung:

- Nhiệm vụ KH&CN gắn với sản xuất và phục vụ sản xuất, các lĩnh vực có khả năng tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, khai thác tiềm năng, các sản phẩm lợi thế của tỉnh An Giang, có thể nhanh chóng chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn, gắn chặt sản xuất, chế biến với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

- Nhiệm vụ KH&CN xuất phát từ thực tiễn cần thiết và cấp bách cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh An Giang.

- Nhiệm vụ KH&CN đề xuất cần xem xét việc triển khai mang tính ứng dụng có kết hợp đánh giá hiệu quả trên cơ sở vận hành mô hình thử nghiệm và ưu tiên có sự tham gia xây dựng mô hình, đối ứng vốn từ doanh nghiệp; Khuyến khích các tổ chức KH&CN liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ.

- Nhiệm vụ KH&CN đề xuất phải có địa chỉ ứng dụng các kết quả chính tạo ra và được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cam kết sử dụng kết quả khi nhiệm vụ KH&CN hoàn thành. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng kết quả dự kiến phải có năng lực tiếp nhận và triển khai một cách hiệu quả kết quả tạo ra.

- Các nhiệm vụ KH&CN phải đảm bảo: tính mới, khoa học, tính cấp thiết, không trùng lắp, có tính ứng dụng cao.

2. Định hướng đề xuất ưu tiên, tập trung:

2.1. Lĩnh vực nông nghiệp:

- Nghiên cứu lai tạo, tuyển chọn, phục tráng giống lúa chất lượng cao, giống lúa đặc sản phục vụ Đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang”.

- Nghiên cứu thử nghiệm, tuyển chọn, ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Bảo tồn, phục tráng, khai thác và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, đặc hữu, có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao, gắn với vùng sinh thái và chỉ dẫn địa lý.

- Nghiên cứu thiết lập mô hình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; Phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; cơ giới hóa, tự động hóa trong nông nghiệp; công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn An Giang.

- Xây dựng và hoàn thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn gắn với chuỗi giá trị cho các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

- Nghiên cứu chọn tạo, hình thành bộ sưu tập giống và xây dựng mô hình canh tác các đối tượng rau, hoa, cây ăn quả phù hợp điều kiện tỉnh An Giang, kết hợp phát triển du lịch và phục vụ nhu cầu tâm linh.

- Nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học, vi sinh, enzym và protein trong sản xuất, chế phẩm sinh học trong dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng, vật nuôi và bảo quản nông sản.

- Nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh các các sản phẩm OCOP tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của thị trường; tăng diện tích sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao cạnh tranh trong nước và xuất khẩu.

2.2. Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ:

- Nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phục vụ Chương trình số 553/CTr-UBND ngày 09/9/2021 của UBND tỉnh An Giang về Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến tiên tiến, các tiến bộ về vật liệu, chế phẩm bảo quản vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã; Ứng dụng tiến bộ KH&CN nhất là công nghệ số trong quản lý, điều hành công việc; sản xuất, kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng và minh bạch sản phẩm hàng hóa trong doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ bờ sông, phòng chống lũ lụt, hạn hán và bảo vệ môi trường; ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học, ứng dụng công nghệ, vật liệu mới để phòng chống sạt lở phù hợp với điều kiện từng vùng, từng khu vực, tập trung vào các giải pháp mềm, thân thiện môi trường, giảm chi phí đầu tư.

- Nghiên cứu, phát triển các nền tảng số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phục vụ cải cách hành chính, góp phần xây dựng chính phủ điện tử.

- Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong bảo tồn và phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Nghiên cứu khôi phục kỹ thuật nghề truyền thống, chuyển giao tiến bộ KH&CN kết hợp với sử dụng kỹ thuật, công nghệ truyền thống, nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới của làng nghề; thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Kết hợp công nghệ mới với kỹ thuật, công nghệ truyền thống để nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm làng nghề; Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch làng nghề.

2.3. Lĩnh vực xã hội và nhân văn, giáo dục:

- Nghiên cứu những vấn đề xã hội, tổng kết thực tiễn, phát hiện những tiềm năng, nguồn lực và mô hình mới trong thực tiễn để tham mưu, tư vấn, cung cấp luận cứ khoa học, lý giải những vấn đề thực tiễn đặt ra, nghiên cứu dự báo tình hình và xu thế phát triển làm cơ sở cho việc xây dựng chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, hoạch định các chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Nghiên cứu đề xuất thực hiện các nhiệm vụ về củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở vùng biên giới; Chú trọng đảm bảo thực hiện 04 nhiệm vụ an ninh quốc gia về an ninh lương thực, an ninh biên giới, an ninh nguồn nước và an ninh thương mại.

- Nghiên cứu, cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Áp dụng KH&CN nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

- Nghiên cứu giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

- Nghiên cứu xây dựng mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; xây dựng các mô hình, giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo,nghiên cứu khoa học, sáng tạo, sáng kiến trong hệ thống trường học phổ thông, trường cao đẳng, đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò của các tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh An Giang; Tạo lập, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh.

2.4. Lĩnh vực du lịch:

- Nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, hệ thống di tích lịch sử, phát huy các loại hình văn hóa dân gian truyền thống của tỉnh; Khai thác các giá trị di sản văn hóa thiên nhiên, di tích lịch sử; xây dựng các sản phẩm du lịch nhằm khai thác tiềm năng của tỉnh, các mô hình phát triển du lịch tại nông thôn và du lịch cộng đồng theo hướng phát triển du lịch bền vững.

- Nghiên cứu, xây dựng, khai thác, phát triển các mô hình du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội tại các điểm di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh kết hợp những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm, Khmer An Giang trong hoạt động du lịch.

- Ứng dụng KH&CN trong phát triển du lịch thông minh, bảo đảm an toàn cho du khách; chuyển giao kiến thức công nghệ về đào tạo, bồi dưỡng du lịch; nghiên cứu, phát triển mô hình du lịch mới, phù hợp với địa phương; định vị thương hiệu du lịch tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, tăng cường quản lý hoạt động du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử và sinh thái, đồng thời bảo đảm tính chuyên nghiệp và hiện đại.

2.5. Lĩnh vực y tế:

- Nghiên cứu các giải pháp về phát triển y tế, ứng dụng chuyển giao các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến hiện đại trong chẩn đoán, phòng và điều trị bệnh; Ưu tiên triển khai các nghiên cứu trong phòng chống dịch bệnh, ứng dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh đặc biệt dịch bệnh mới có tốc độ lây lan nhanh.

- Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong việc bảo tồn, phát triển sản xuất, trồng chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu; Phát triển các sản phẩm có giá trị từ nguồn dược liệu đặc trưng riêng có của tỉnh An Giang; Phát triển các bài thuốc cổ truyền quý hiếm có tiềm năng cao để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm từ dược liệu tiến tới sản xuất thương mại hóa các bài thuốc quý tránh tình trạng thất truyền và mai một.

- Ứng dụng khoa học kỹ thuật, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại; các phương pháp khám và điều trị bằng y học cổ truyền.

2.6. Ngoài các vấn đề được nêu trên, các Sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thể đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN khác mà các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận thấy cần thiết và cấp bách phục vụ thiết thực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang.

3. Tiếp nhận đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh:

Các Sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2024- 2025 trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương, của ngành, lĩnh vực và tiêu chí (mục 1), định hướng (mục 2) gửi về Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang theo 01 trong 02 hình thức sau:

- Cá nhân đề xuất theo Mẫu 01 - ĐXNV.

- Đơn vị đề xuất theo Mẫu 02 - THĐXNV.

Các biểu mẫu được đính kèm Thông báo này và đăng trên Cổng thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang tại địa chỉ: https://sokhcn.angiang.gov.vn/, mục Tin vắn/Tải tài liệu và văn bản.

Thời gian nhận đề xuất: Từ ngày ra thông báo đến hết ngày 16/02/2024 (Lưu ý: Văn bản đề xuất, đặt hàng của các Sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp gửi sau thời hạn nêu trên, tùy thuộc vào tính cấp thiết của nhiệm vụ sẽ được bổ sung vào danh sách đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN của năm tiếp theo).

Văn bản đề xuất vui lòng gửi về Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang (thông qua Phòng Quản lý khoa học) và gửi kèm file đề xuất (dạng word) qua hộp thư: sokhcn@angiang.gov.vn hoặc qlkhag@gmail.com để thuận tiện cho việc tổng hợp và đề phòng thất lạc

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang.

- Địa chỉ: Số 269A Nguyễn Thái Học, phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

- Điện thoại: 0296.3854.662

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang rất mong nhận được sự quan tâm, đề xuất nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh từ quý cơ quan, đơn vị, chuyên gia và doanh nghiệp.

Trân trọng./.

Nguồn: Sở Khoa học Công Nghệ tỉnh An Giang