SV NCKH 2020-2021: Hoàn thiện quy trình sản xuất tinh bột nghệ chất lượng cao

Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên 18(03)_043: "Hoàn thiện quy trình sản xuất tinh bột nghệ chất lượng cao" của nhóm sinh viên Huỳnh Tấn Phương, Trần Văn Tuấn, Trương Thanh Tiệp, Tán Thị Minh Thư, Ngô Văn Thanh khoa Dược.

Hội thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2020-2021 với chủ đề: “SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC: PHÁ VỠ RÀO CẢN, KIẾN TẠO TƯƠNG LAI” 

Mã số đề tài: 18(03)_045

Tên đề tài:  Hoàn thiện quy trình sản xuất tinh bột nghệ chất lượng cao

Sinh viên tham gia: Huỳnh Tấn Phương, Trần Văn Tuấn, Trương Thanh Tiệp, Tán Thị Minh Thư, Ngô Văn Thanh

Khoa: Dược

Mục tiêu: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất tinh bột nghệ chất lượng cao phục vụ chăm sóc sức khỏe.

Đối tượng và phương pháp nguyên cứu: Nghệ vàng (Curcuma longa) thu hoạch tại vườn ở Quảng Nam được thu mua tại vườn vào tháng 3 - 5/2021. Các yếu tố tác động đến hiệu suất, chất lượng tinh bột nghệ được khảo sát để thiết lập được quy trình tối ưu nhất.

Kết quả nghiên cứu: Quá trình sản xuất tinh bột nghệ trải qua các bước: Rửa, xay nghệ, vắt – rửa bã nghệ, lọc, lắng gạn tinh bột, làm sạch tinh bột, sấy – nghiền tinh bột. Rửa bã nghệ 1 lần cho hiệu suất tinh bột tối ưu. Khi thêm bước lọc dung dịch sau khi khuấy bã nghệ thì hiệu suất thu hồi tinh bột cao hơn và cảm quan tốt hơn so với không lọc. Tỷ lệ nước: nguyên liệu tối ưu trong quá trình rửa bã  là 2:1. Thời gian lắng tinh bột tối ưu là 60 phút cho mỗi lần lắng. Tinh bột cần được làm sạch ít nhất là 3 lần để đạt yêu cầu chất lượng. Nhiệt độ sấy tối ưu là 60 oC và nhiệt độ không ảnh hưởng đến hàm lượng curcuminoid.  

Kết luận: Nghiên cứu đã khảo sát được các thông số ảnh hưởng chất lượng, hiệu suất tách tinh bột nghệ. Quy trình sản xuất sẽ giúp rút ngắn thời gian và tăng hiệu suất thu tinh bột nghệ so với phương pháp hiện tại ở các cơ sở sản xuất. Tinh bột nghệ thu được có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng cũng như góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.