Nanocovax công khai dữ liệu tiền lâm sàng và lâm sàng

Công ty cổ phần dược Nanogen đã công khai dữ liệu của thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng (giai đoạn I và II) đối với vaccine Nanocovax. Các dữ liệu này được công bố dưới dạng bản thảo (pre-print) trên hai kho dữ liệu mở y sinh lớn nhất thế giới là Biorxiv và Medrxiv. Các kết quả cho thấy đều hứa hẹn.

Thử nghiệm tiền lâm sàng của Nanocovax được thực hiện trên chuột Thụy Sĩ, chuột hamster Syria, chuột đồng và thỏ New Zealand khỉ đuôi lợn phương Bắc. Trong đó, chuột Thụy Sĩ, chuột hamster Syria và khỉ là đối tượng nghiên cứu miễn dịch. Chúng được chia thành hai nhóm, một nhóm được tiêm vaccine Nanocovax (một trong bốn loại liều 25µg, 50 µg, 75 µg, 100µg) và nhóm còn lại được tiêm giả dược. Với chuột Thụy Sĩ và khỉ, nồng độ kháng thể IgG đặc hiệu protein S trong huyết thanh gấp lần lượt gần 100 lần và hơn 200 lần ở ngày thứ 45 so với nhóm tiêm giả dược. Các nhà nghiên cứu cũng dùng huyết thanh của chuột Thụy sĩ, chuột Syria và khỉ hòa với virus Sars-CoV-2 thì nhận thấy rằng, khả năng trung hòa virus của nhóm được tiêm vaccine cũng vượt trội với nhóm tiêm giả dược. Ngoài ra, nhóm đánh giá hiệu quả bảo vệ của Nanocovax trên chuột hamster Syria bằng cách cho chúng phơi nhiễm với Sars-CoV-2, thì thấy rằng, các con chuột được tiêm vaccine (ở bất kì liều nào) đều không có triệu chứng mắc bệnh, trái ngược với những con chuột tiêm giả dược có dấu hiệu xù lông, lờ đờ và sụt cân nghiêm trọng.

Nanocovax là vaccine tiểu đơn vị chứa kháng nguyên gai (S) SARS-CoV-2 tái tổ hợp, bản chất là protein S, có vai trò kích thích sinh miễn dịch kháng virus SARS-CoV-2

Để đánh giá về độc tính của vaccine Nanocovax, nhóm nghiên cứu tiêm cho gần 100 chuột đồng vaccine Nanocovax trong 14 ngày liên tiếp hoặc 28 ngày liên tiếp bốn loại liều khác nhau (25µg, 50 µg, 75 µg, 100µg) hoặc giả dược. Kết quả sau đó cho thấy nội tạng của các con chuột này không có dấu hiệu bất thường và các chỉ số hóa sinh không có sự khác biệt giữa các nhóm. Tiếp tục đánh giá về phản ứng tại vùng tiêm trên thỏ New Zealand, nhóm nghiên cứu tiêm 100 µg vaccine Nanocovax và giả dược lên 12 con thỏ và thấy rằng, chỉ một số con thỏ (ở cả hai nhóm tiêm vaccine và giả dược) bị sung đỏ nhẹ ở vùng tiêm nhưng giảm dần và biến mất sau khoảng một tuần.

Các kết quả tiền lâm sàng này là cơ sở để Bộ Y tế của Việt Nam phê duyệt cho Nanocovax tiếp tục thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I (bắt đầu từ tháng 12/2020) và giai đoạn II (bắt đầu từ tháng 2/2021). Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I được thực hiện theo kiểu nhãn mở (người tiêm và người được tiêm đều biết mình được tiêm loại thuốc nào, liều lượng ra sao) trên 60 người. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I thực hiện theo hình thức mù đôi (cả người tiêm và người được tiêm đều không biết mình được tiêm vaccine hay giả dược, liều bao nhiêu) trên 560 người, trong đó có 480 người được tiêm vaccine Nanocovax (một trong ba loại liều 25µg, 50 µg, 75 µg) và 80 người được tiêm giả dược.

Mẫu huyết thanh của các tình nguyện viên được phân tích vào ngày 35 và ngày 42 sau khi tiêm về nồng độ kháng thể IgG đặc hiệu protein S của virus Sars-CoV-2, về phản ứng của tế bào lympo T và khả năng trung hòa virus Sars-CoV-2 (hòa huyết thanh của người tiêm vào virus chủng Vũ Hán và chủng Alpha xuất phát ở Anh). Kết quả cho thấy sau ngày 42 của mũi tiêm thứ hai, 99% người tiêm vaccine Nanocovax (ở bất kì liều nào) có nồng độ kháng thể IgG đặc hiệu protein S gấp hơn 4 lần so với trước khi tiêm, cụ thể là gấp khoảng 200 lần. Trên 99% huyết thanh của nhóm người được tiêm vaccine Nanocovax có khả năng trung hòa virus, trong khi huyết thanh của nhóm giả dược không có khả năng này. Tuy nhiên, khi đo phản ứng tế bào lympho T (T-cells) trên 84 người (lựa chọn ngẫu nhiên từ hơn 600 người tình nguyện viên tiêm thử, trong đó có 28 người tiêm vaccine và 14 người tiêm giả dược) thì không phát hiện được. Nhóm nghiên cứu cho rằng, phản ứng của tế bào lympho T sẽ được tiếp tục nghiên cứu đối với những người tình nguyện trong đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III sắp tới.

Những người được tiêm Nanocovax đều chỉ có phản ứng rất nhẹ sau tiêm. Phản ứng phổ biến nhất (khoảng 26%) là hơi đau ở vùng tiêm ở cả mũi một và mũi hai. Số người có phản ứng sốt nhẹ là rất nhỏ (chỉ 1 người ở mũi một và 6 người sau khi tiêm mũi hai). Cũng rất ít người cảm thấy mệt mỏi sau tiêm (dưới 10%).

Sau hai công bố này, giới khoa học Việt Nam mới nắm tường tận về công nghệ đằng sau vaccine Nanocovax. Nanocovax được sản xuất dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp – cấy một đoạn gene của kháng nguyên lên một tế bào vi khuẩn, tế bào động vật có vú, nấm, gene này sẽ biểu hiện thành một bộ phận của virus mà ta mong muốn - ở Sars-CoV-2 là protein S. Các protein S này sẽ được thu hoạch và là nguyên liệu chính của vaccine. Điểm khác biệt của các loại vaccine công nghệ này trên thế giới nằm ở việc họ nuôi gene của virus trên tế bào gì và sử dụng chất bổ trợ nào để đưa protein S vào cơ thể. Trong trường hợp của Nanogen (công ty sản xuất vaccine Nanocovax) họ nuôi trên tế bào buồng trứng chuột túi Trung Quốc (CHO – Chinese hamster ovary) và sử dụng nhôm để làm chất bổ trợ. Nuôi cấy gene trên tế bào CHO là công nghệ Nanogen đã làm chủ hơn 20 năm nay và đã được sử dụng để sản xuất một loạt thuốc sinh học điều trị thiếu máu. Nhôm là một trong những chất bổ trợ an toàn và được sử dụng phổ biến trong hầu hết các loại vaccine, kể cả vaccine cho trẻ em.

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng