Giải thưởng Tạ Quang Bửu – khích lệ các nhà khoa học Việt Nam thực hiện các nghiên cứu cơ bản xuất sắc

Ngày 18/5/2014, lần đầu tiên, Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu nhằm vinh danh các nhà khoa học Việt Nam là tác giả của công trình nghiên cứu cơ bản(i) xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Qua 9 năm tổ chức và triển khai, nhìn lại chặng đường đã đi qua, có thể thấy Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã bước đầu tạo được uy tín và niềm tin trong cộng đồng khoa học Việt Nam, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Trong quá trình triển khai, chất lượng Giải thưởng phù hợp thông lệ quốc tế là điểm quan trọng nhất, luôn được Lãnh đạo Bộ Khoa học & Công nghệ nhấn mạnh khi chỉ đạo triển khai tổ chức Giải thưởng. Chính việc yêu cầu cao về chất lượng giải thưởng theo thông lệ quốc tế đã dần tạo nên uy tín của Giải thưởng theo thời gian. Để giải quyết điều này, một số điểm quan trọng sau đây được thiết kế và nghiêm cẩn thực hiện:

– Đặt ra tiêu chí rõ ràng, phù hợp thông lệ quốc tế để đánh giá, lựa chọn ứng viên. Đó là đánh giá ứng viên giải thưởng thông qua chất lượng các kết quả nghiên cứu cơ bản được ứng viên công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.
– Chất lượng các kết quả nghiên cứu cơ bản được xác định qua ý nghĩa và giá trị của nghiên cứu, có tham khảo chất lượng, xếp hạng tạp chí khoa học đăng tải các kết quả nghiên cứu cơ bản.
– Việc đánh giá chất lượng các kết quả nghiên cứu cơ bản, lựa chọn ứng viên giải thưởng được thực hiện qua hai vòng đánh giá nghiêm cẩn, vòng 1 đánh giá bởi các Hội đồng khoa học nghiên cứu cơ bản của NAFOSTED là các nhà khoa học cùng ngành, vòng 2 đánh giá bởi Hội đồng Giải thưởng, là các nhà khoa học xuất sắc, uy tín cao ở nhiều ngành khác nhau. Cả hai vòng đánh giá đều có tham khảo đánh giá của chuyên gia quốc tế độc lập.

Uy tín, sự thành công trong nghiên cứu khoa học của các thành viên Hội đồng Giải thưởng trong môi trường học thuật quốc tế đỉnh cao và công tác đánh giá xét chọn hoàn toàn chủ động, dân chủ và độc lập của Hội đồng Giải thưởng cũng là những yếu tố quan trọng đem lại thành công, chất lượng và uy tín cho Giải thưởng.

Giải thưởng đã góp phần động viên, khích lệ các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu cơ bản xuất sắc, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước hội nhập quốc tế.

GS.TS Nguyễn Hữu Việt Hưng – Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2014 – Cái thú vị nằm ở những công trình sắp được nghiên cứu

GS. TSKH Phạm Hoàng Hiệp – Giải thưởng trẻ năm 2015 – Niềm vinh dự và khích lệ đối với các nhà khoa học trẻ*

Tính đến hết năm 2022, 18 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 04 nhà khoa học trẻ đã được trao tặng Giải thưởng trong tổng số hơn 400 hồ sơ đăng ký tham dự. Giải thưởng đã ghi nhận sự phân bố đa dạng các nhà khoa học về độ tuổi, về giới tính, về vùng miền trên cả nước. Giải thưởng được trao cho các nhà khoa học thuộc đầy đủ các ngành trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật, với các công trình tính lý thuyết thuần túy (thuộc các ngành Toán học, Vật lý, Khoa học thông tin và máy tính), cũng như các công trình có tính ứng dụng cao, sát với thực tế của Việt Nam (thuộc các ngành Vật lý – vật liệu, Hóa học, Khoa học trái đất và môi trường, Y dược, Nông nghiệp).

Thống kê nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu theo giới tính và vùng miền

Ngày 15 tháng 8 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 18). Đây là kết quả của quá trình tiếp nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết từ các nhà khoa học, nhà quản lý trong các Hội đồng khoa học chuyên ngành, Hội đồng Giải thưởng và từ các tổ chức khoa học công nghệ trên khắp cả nước với mong muốn Giải thưởng được tổ chức tốt hơn nữa, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, đáp ứng lòng mong mỏi của cộng đồng khoa học nói chung và cộng đồng khoa học nghiên cứu cơ bản nói riêng.

Theo đó, Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ mở rộng việc xem xét trao giải thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn. Thực tế cho thấy, sau thời gian triển khai và đạt được những kết quả nhất định trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật, việc mở rộng Giải thưởng sang lĩnh vực Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn là cần thiết. Các tiêu chí đánh giá, xét tặng Giải thưởng được áp dụng chung bên cạnh việc xem xét tính đặc thù trong mỗi lĩnh vực.

Giải thưởng sẽ tiếp nhận hồ sơ theo hình thức đề cử. Đây là hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế trong tổ chức giải thưởng khoa học, giúp làm tăng chất lượng hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng, đồng thời tránh việc nhà khoa học xuất sắc phải “xin” cơ quan quản lý khen thưởng mình.

Bên cạnh đó, Hội đồng Giải thưởng sẽ xem xét, lựa chọn nhà khoa học để trao giải thưởng thông qua việc đánh giá kết quả nghiên cứu cơ bản trong tối đa (03) ba (từ một đến ba) bài báo khoa học quốc tế được công bố trong thời gian bảy (07) năm. Điều này giúp xem xét toàn diện hơn thành tích của các nhà khoa học, đồng thời vẫn duy trì cơ hội cho các nhà khoa học trẻ tương đương với các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu.

Tần suất và cơ cấu Giải thưởng cũng được điều chỉnh. Giải thưởng được tổ chức định kỳ 03 năm/lần và được tăng số lượng giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) đối với mỗi nhóm lĩnh vực. Việc giảm tần suất tổ chức Giải thưởng nhằm mục tiêu chính là nâng cao số lượng và chất lượng hồ sơ đăng ký và đề cử Giải thưởng trong mỗi kỳ tổ chức, đặc biệt khi Giải thưởng được mở rộng cho lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn.

Để chung tay xây dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, tạo không gian cho các nhà khoa học xuất sắc với những kết quả nghiên cứu đỉnh cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia mong các nhà khoa học, tổ chức khoa học và công nghệ trên cả nước quan tâm, giới thiệu các đề cử có chất lượng tới Ban tổ chức Giải thưởng trong các kỳ đánh giá xét chọn Giải thưởng.

[

i)Nghiên cứu cơ bản là hoạt động nghiên cứu nhằm khám phá bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy (Luật KHCN 2013).

Nghiên cứu cơ bản là công việc thực nghiệm hoặc lý thuyết được thực hiện chủ yếu để có được tri thức mới về bản chất của các hiện tượng và các sự kiện có thể quan sát được, mà không đặt ra phải có bất kỳ một ứng dụng cụ thể nào.

Basic research is experimental or theoretical work undertaken primarily to acquire new knowledge of the underlying foundations of phenomena and observable facts, without any particular application or use in view.

(Organisation for Economic Co-operation and Development – OECD Frascati Manual 2015, page 45)

Kết quả của nghiên cứu cơ bản không mang lại lợi ích thương mại trực tiếp hoặc tức thời, mà thường được công bố trên các tạp chí khoa học hoặc được lưu hành cho các bên quan tâm.

(Organisation for Economic Co-operation and Development – OECD Frascati Manual 2015, page 50)

Trái ngược với việc dễ dàng nhận biết hiệu quả của các ứng dụng công nghệ, những đóng góp của khoa học cơ bản thường không dễ được ghi nhận. Tuy nhiên, chúng là nền tảng của những tiến bộ công nghệ quan trọng kích thích đổi mới sáng tạo, cũng như cần thiết cho việc đào tạo các chuyên gia trong tương lai. Khoa học cơ bản cung cấp các phương thức thiết yếu nhằm giải quyết những thách thức quan trọng như khả năng tiếp cận phổ quát đối với thực phẩm, năng lượng, chăm sóc sức khỏe và công nghệ truyền thông.
Michel Spiro, President of IUPAP
https://www.iybssd2022.org/en/about-us/

Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của quá nhiều người trên toàn thế giới. Tuy vậy, nếu không có các kết quả nghiên cứu cơ bản đạt được trước đó nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Nếu không có khoa học cơ bản, làm sao chúng ta biết được rằng việc nhiễm bệnh là do một loại vi rút, vi rút đó trông như thế nào, trình tự di truyền và các biến thể của nó là gì? Mọi thứ giúp chúng ta chống lại đại dịch và hậu quả của nó đều bắt nguồn từ khoa học cơ bản.

https://www.iybssd2022.org/en/home/]