Từ khoảng hai mươi năm nay, ở Việt Nam, một xu hướng mới đã xuất hiện trong lĩnh vực dịch thuật và nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV): các nhà xuất bản, bằng cách chọn dịch các tác giả lớn từ khắp nơi trên thế giới và các lý thuyết đương đại, đã thúc đẩy nghiên cứu hàn lâm ở đại học. Bài viết này đề xuất một số hướng suy ngẫm về lý do và ý nghĩa của sự lựa chọn mới này trong việc dịch thuật và nghiên cứu.
Từ khoảng hai mươi năm nay, ở Việt Nam, một xu hướng mới đã xuất hiện trong lĩnh vực dịch thuật và nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV): các nhà xuất bản, bằng cách chọn dịch các tác giả lớn từ khắp nơi trên thế giới và các lý thuyết đương đại, đã thúc đẩy nghiên cứu hàn lâm ở đại học. Bài viết này đề xuất một số hướng suy ngẫm về lý do và ý nghĩa của sự lựa chọn mới này trong việc dịch thuật và nghiên cứu.
Về mặt chính thức, sau khi nhà nước Việt Nam ra đời ở miền Bắc và sau khi chiến tranh kết thúc trên phạm vi cả nước, chủ nghĩa Marx, các nhà marxit, và chủ nghĩa xã hội giữ vị trí chủ đạo trong dịch thuật và nghiên cứu của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Trong số rất ít các trào lưu ngoài chủ nghĩa Marx được chấp nhận ở Việt Nam sau năm 1975, chúng ta có thể kể đến Thi pháp học của Mikhail Bakhtin, một lý thuyết văn học cấp cho đối thoại và đa âm vai trò quan trọng.
Bắt đầu từ thế kỷ XXI, có thể nhận thấy sự thay đổi rõ ràng và đáng kể, đánh dấu một giai đoạn mới, giai đoạn mở ra sự đa dạng, mở ra với thế giới bên ngoài và với nhiều phương pháp tiếp cận khoa học. Các lý thuyết khác nhau, các trường phái tư tưởng khác nhau đang xuất hiện ở Việt Nam.
Chúng ta có thể giải thích và hiểu hiện tượng này như thế nào? Suy nghĩ của tôi được xây dựng và phát triển dựa trên việc phân tích bối cảnh lịch sử – chính trị. Dưới đây là một số ý tưởng chính.
Ý thức xã hội và ý thức cá nhân trước hiện tượng toàn cầu hóa
Trước hết, tại sao lại nói đến ý thức xã hội và ý thức cá nhân? Bởi vì sự đa dạng hóa trong dịch thuật và nghiên cứu là kết quả của sự nỗ lực và lựa chọn của các cá nhân hay các nhà xuất bản, đặc biệt là các công ty xuất bản tư nhân. Cho đến nay, vẫn thiếu một chiến lược tổng thể và dài hạn cho dịch thuật và nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH&NV. Một chiến lược như thế thuộc về trách nhiệm của nhà nước, chỉ nhà nước mới có đủ năng lực và phương tiện cần thiết để thực hiện việc này. Nhưng xã hội Việt Nam và các cá nhân không thể ngồi đợi một chiến lược như vậy được xây dựng và áp dụng. Bị thúc đẩy bởi ý thức sinh tồn và trách nhiệm xã hội, nhiều người đã bắt đầu công việc của mình, bất chấp những khó khăn to lớn.
Ý thức về tồn tại
Nhờ sự phát triển của công nghệ và tin học, việc trao đổi thông tin và trao đổi kiến thức được thực hiện ở cấp độ toàn cầu, một cách thường trực và thậm chí từng phút. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc mở cửa với thế giới bên ngoài và tiếp nhận khối tài sản chung của nhân loại đã trở thành một nhu cầu thiết yếu. Không có điều này, tồn tại sẽ mất đi chiều kích nhân bản của nó. Sự tồn tại của bản thân mỗi người được bao hàm trong sự tồn tại của thế giới. Từ đó nảy sinh nhu cầu được sống ngang tầm với toàn nhân loại, và không chịu khép kín vào trong chính mình, điều mà người Việt thể hiện qua xu hướng lựa chọn dịch thuật và nghiên cứu đang được bàn đến ở đây.
Nói tóm lại, chúng ta không thể tự cô lập mình, không thể hài lòng với một giới hạn địa phương bị cố định vĩnh viễn. Chỉ cần mở máy tính hay điện thoại ra và nối mạng là thế giới không còn ở bên ngoài, không còn xa xôi nữa, nó hiện diện ở khắp mọi nơi, tại chỗ và ngay lập tức, mọi người đều hòa nhập được vào nó. Thế giới không còn là cái gì đó tách biệt khỏi đời sống cá nhân nữa; nó thâm nhập vào mỗi người ở mọi lúc, mỗi chúng ta đều mang thế giới trong mình với mỗi lần chia sẻ được thực hiện mà không gặp trở ngại về không gian hay thời gian. Theo cách đó mà sự tồn tại của con người được toàn cầu hóa trong thời đại internet, Facebook và mạng xã hội.
Do vậy, mở và đa dạng hóa trở nên thiết yếu. Đứng trước phương thức tồn tại đặc thù của thời đại, người Việt không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đem tài sản trí tuệ của thế giới về cho đất nước mình.
Điều này giải thích sự tăng vọt về số lượng xuất bản những cuốn sách quan trọng của các tác giả kinh điển ở mọi thời đại và các tác giả đương đại của KHXH&NV. Chúng ta thấy xuất hiện ở các tiệm sách và các trang bán sách online tên tuổi của tác giả cổ đại: Aristote, Platon*, các tác giả trung đại và hiện đại: Cicero*, Machiavelli, Montesquieu, Rousseau, John Locke, Kant, Hegel, Nietzsche, John Stuart Mill …, các tác giả đương đại: Freud, Husserl, Dewey, Sartre, Weber, Heidegger, Foucault, Deleuze, Bergson, Russel, Frege, Habermas, Bourdieu, Arendt, Bela, Osho, Fukuyama, Durant, Harari… Thực sự không thể liệt kê hết ở đây, đó là chưa kể đến rất nhiều nghiên cứu về các tác giả quan trọng cũng đã được dịch ra tiếng Việt. Có thể nói, nguồn tri thức bậc cao của thế giới được dịch một cách ồ ạt trong vài thập kỷ qua. Thông qua sách dịch mà người Việt mang thế giới đến với đất nước mình, mang thế giới vào trong nhà mình, và nội hóa nó vào trong bản thân mình. Đó hẳn là một trong những cách khôn ngoan nhất và phổ biến nhất mà các chủng tộc văn minh đã từng lựa chọn trong suốt lịch sử tồn tại và phát triển của họ.
Ý thức được tình trạng lạc hậu, yếu kém của đất nước
Sự phong phú về dịch thuật và nghiên cứu còn là kết quả của trách nhiệm đối với sự lạc hậu về trí tuệ và sự lạc hậu chung của đất nước. Một bộ phận giảng viên, nhà nghiên cứu và một bộ phận xã hội có ý thức về sự thiếu hụt kiến thức lý thuyết và kiến thức tổng quát ở Việt Nam. Ý thức này gặp gỡ khát vọng tri thức, gặp gỡ nhu cầu tự hiểu biết của thế hệ trẻ. Người ta không thể hiểu chính mình nếu không hiểu thế giới và những người khác. Và người ta không thể hiểu chính mình nếu không có kiến thức cần thiết. Đây không phải là một ý tưởng mới, nó đơn giản là một thực tế mà người Việt Nam phải đối mặt.
Nghiên cứu của Trần Nguyên Khang cho chúng ta thấy trách nhiệm này. Cuốn sách “Quyền lực mềm của Pháp – Những câu hỏi lý thuyết và thực tiễn” của anh đi thẳng vào thời sự lý thuyết và thực hành của quan hệ quốc tế trong thời đại chúng ta. Anh vận dụng một lý thuyết của Mỹ vào nghiên cứu trường hợp nước Pháp nhằm tìm ra giải pháp cho Việt Nam. Điều này thực sự vẽ nên một bức tranh quốc tế.
Hoàng Phong Tuấn đi theo hướng khác. Với cuốn “Văn học, người đọc, định chế”, việc áp dụng lý thuyết tiếp nhận và thông diễn học vào phân tích của tác giả Việt Nam đã giúp anh khám phá, thấu hiểu những giá trị của văn học dân tộc mà cách đọc phê bình truyền thống trước đây không thể chỉ ra được.
Phạm Văn Quang chọn con đường tiếp cận thế giới và khẳng định mình trong thế giới: song song với các ấn phẩm trong nước, anh công bố trên các tạp chí nước ngoài và xuất bản sách ở nước ngoài. Anh phân tích các chủ đề thời sự với các phương tiện lý thuyết thời sự, bằng cách nghiên cứu các tác giả thời sự. Ví dụ, Linda Lê và các tác phẩm của cô trở thành đối tượng nghiên cứu của anh, được thực hiện bằng phương pháp xã hội học và các phương pháp đương đại khác, từ góc độ liên ngành.
Đường chạy trốn (ligne de fuite) dẫn tới tự do
Chúng ta có thể hình dung hiện tượng mà tôi đang đề cập đến ở đây như một nỗ lực nhằm vạch ra các đường chạy trốn (ligne de fuite), tôi dùng khái niệm này của Deleuze. Ông viết:
“Đường chạy trốn là một sự giải lãnh thổ hóa. […] Chạy trốn, đó hoàn toàn không phải là từ chối hành động, không có gì mang tính hành động hơn là sự chạy trốn. […]. Đó cũng là làm cho chạy trốn, không nhất thiết là làm cho người khác chạy trốn, mà là làm cho cái gì đó chạy trốn, làm cho một hệ thống chạy trốn giống như khi người ta đào một đường ống. […] Chạy trốn, đó là vạch ra một đường, vạch ra các đường, vạch ra cả một bản đồ. Người ta chỉ có thể khám phá thế giới qua một đường chạy trốn bị bẻ gãy”1.
Đúng như định nghĩa của Deleuze mà chúng ta đọc ở đây, xu hướng dịch thuật và nghiên cứu mới trong KHXH&NV ở Việt Nam đã vẽ ra một bản đồ mới, và qua đó mà đào những đường ống, những đường chạy trốn, để khám phá những thế giới mới. Và mục đích là đạt được trạng thái giải lãnh thổ hóa, có nghĩa là thoát khỏi một lãnh thổ cố định, bằng cách di chuyển, hoặc thậm chí khi không di chuyển; và chạy trốn khỏi một hệ thống ngay bên trong chính nó, một sự chạy trốn tại chỗ. Khái niệm “đường chạy trốn” mang trong nó ý tưởng về sự từ chối bị mắc kẹt ở một nơi cố định và không thể thay đổi, mang trong nó ý tưởng về sự chuyển động, về sự thay đổi, tóm lại là ý tưởng về tự do, và cả về sự sáng tạo. “Đường chạy trốn là tác nhân sáng tạo ra những sự trở thành này. Các đường chạy trốn không có lãnh thổ”.2
Lời giải thích này của Trần Hữu Quang, tác giả cuốn “Xã hội học nhập môn”, cho chúng ta một ví dụ: “Tìm hiểu môn xã hội học để làm gì? Đó là để có một cách nhìn khác, một nhãn quan mới về xã hội và cá nhân, cũng như về cách vận hành của xã hội. Nhất là để thoát ra khỏi những định kiến mà lâu nay hầu như ai cũng nghĩ là đúng, là đương-nhiên-như-vậy”. Hoặc một ví dụ khác, từ trường hợp Phạm Văn Quang, tác giả cuốn “Xã hội học văn học”: “Tác phẩm này giới thiệu một số viễn cảnh lý thuyết đương đại có liên quan đến các khái niệm then chốt : định chế văn học, trường văn học, trò chơi văn học, lộ trình văn học của các tác giả… Thêm vào đó là những gợi ý về phương pháp luận đối với các bước nghiên cứu về một phác đồ văn học hay về một nhà văn”. Giới thiệu những nội dung mới mẻ, nhưng không chỉ là nội dung mới, mà trên hết là một cách tiếp cận mới, một tầm nhìn mới, một cách suy nghĩ mới. Đó thực sự là giải phóng trí tuệ.
Những công trình này áp dụng những phương pháp khác với phương pháp vẫn luôn được quy định chính thức. Trên thực tế, chúng đã thiết lập một bản đồ nghiên cứu khác về khoa học xã hội và nhân văn. Cái bản đồ mới này, trong vận động giải lãnh thổ hóa của nó, đã khiến cho lãnh thổ cố định thành ra một cái gì của tương lai, một cái gì đang trở thành (chúng ta vẫn luôn ở trong trường từ vựng của Deleuze).
Trong trường hợp này, dịch thuật và nghiên cứu tạo ra một kiểu dạng không gian được khai thông, có thể coi đó như là một trong những điều kiện của tự do.
Kỳ vọng đối với các nhà nghiên cứu Việt Nam là họ sẽ phát triển những suy tư của chính họ về thực tại, về những câu hỏi đặt ra cho họ ngày hôm nay, và từ đó tìm kiếm giải pháp cho một không gian thực sự tự do của đời sống trí tuệ. Bản thân sự tìm kiếm đã là tự do.
Thay lời kết: chúng ta đang ở khoảng giữa
Chính là trong khí quyển của Deleuze mà tôi sẽ tạm dừng lại, bằng cách đặt mình vào vị trí của một người có tham gia vào xu hướng dịch thuật và nghiên cứu mới này trong KHXH&NV. Deleuze không quan tâm đến sự bắt đầu hay kết thúc. Ông viết: “Bắt đầu hay kết thúc không bao giờ thú vị, bắt đầu và kết thúc đều là các điểm. Điều thú vị là khoảng giữa”3.
Chúng ta đang ở “khoảng giữa” này, ở trong giai đoạn thú vị nhất của quá trình thay đổi.
Cảnh trạng mới của đời sống trí thức ở Việt Nam đang trong quá trình xây dựng. Một bản đồ khác đang được vẽ ra bởi mỗi người chúng ta và cho mỗi người chúng ta. Chúng ta làm cho mọi thứ chuyển động, và chính chúng ta cũng chuyển động. Chính chúng ta là những người đưa tiến trình giải lãnh thổ hóa này tới một sự trở thành, hoặc tới tương lai, nếu nói theo ngôn ngữ thông dụng.
Sự đòi hỏi cao buộc chúng ta phải thừa nhận rằng tiến trình này đang quá chậm so với các quốc gia khác và mọi người mong muốn nó phải nhanh hơn, hiệu quả hơn. Cộng đồng trí thức Việt Nam, tức là tất cả chúng ta, phải làm việc để đáp ứng đòi hỏi và mong muốn này. □
—-
* Nhà văn, nhà nghiên cứu triết học và văn học.
Chú thích
1 Gilles Deleuze và Claire Parnet, Dialogues, Flammarion, Collection Champs-essais, 1996, tr.47.
2 Dialogues, sđd, tr.62.
3 Dialogue, sđd, tr.50.
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng