[KON TUM] Đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện trong năm 2026

Nhằm triển khai xây dựng, tham mưu phê duyệt và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2026 phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết những vấn đề cấp thiết của các ngành, địa phương trong tỉnh. Sở KH&CN tỉnh Kon Tum thông báo đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; các tổ chức KH&CN, Trường Đại học và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh xây dựng, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN thực hiện từ năm 2026.

Căn cứ Quyết định số 22/2024/QĐ-UBND, 03/5/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Quy định xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách Nhà nước tỉnh Kon Tum; Công văn số 1734/UBND-KGVX ngày 27/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ động xây dựng định hướng đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh hàng năm.

Nhằm triển khai xây dựng, tham mưu phê duyệt và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2026 phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết những vấn đề cấp thiết của các ngành, địa phương trong tỉnh, Sở KH&CN tỉnh Kon Tum thông báo đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; các tổ chức KH&CN, Trường Đại học và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh xây dựng, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN thực hiện từ năm 2026, cụ thể như sau: 

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG, ĐỀ XUẤT ĐẶT HÀNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KH&CN CẤP TỈNH

1. Yêu cầu của lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Nghị quyết, chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực.

3. Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KH&CN của tỉnh 05 năm và hằng năm.

4. Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh.

5. Các chương trình KH&CN cấp tỉnh (nếu có).

6. Những vấn đề KH&CN đặc biệt quan trọng nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách của tỉnh về quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh và phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh.

II. YÊU CẦU ĐỐI VỚI ĐỀ TÀI, DỰ ÁN, ĐỀ ÁN KHOA HỌC ĐỀ TÀI, DỰ ÁN, ĐỀ ÁN KHOA HỌC PHẢI ĐÁP ỨNG ĐẦY ĐỦ CÁC YÊU CẦU CHUNG VÀ YÊU CẦU RIÊNG CHO TỪNG LOẠI HÌNH NHIỆM VỤ

1. Yêu cầu chung

a) Có tính cấp thiết, có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi của tỉnh, có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực KH&CN tỉnh;

b) Các vấn đề khoa học cần phải huy động nguồn lực KH&CN (nhân lực KH&CN hoặc nguồn tài chính) của tỉnh hoặc góp phần giải quyết những nhiệm vụ mang tính liên vùng, liên ngành; vấn đề KH&CN nhằm giải quyết yêu cầu khẩn cấp của tỉnh về quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh và phát triển KH&CN của địa phương;

c) Không trùng lặp với các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đã và đang thực hiện.

d) Có dự kiến phương án ứng dụng hoặc sử dụng kết quả tạo ra và dự kiến thời gian thực hiện phù hợp để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

2. Yêu cầu riêng đối với đề tài

a) Đề tài trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ gồm: khoa học tự nhiên; khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y, dược; khoa học nông nghiệp, phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau: Công nghệ hoặc sản phẩm KH&CN dự kiến: (i) Có triển vọng lớn tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả nhưng chưa được nghiên cứu, ứng dụng ở Việt Nam; hoặc (ii) Được hoàn thành ở dạng mẫu (vật liệu; thiết bị; máy móc; dây chuyền công nghệ; giống cây trồng; giống vật nuôi); hoặc (iii) Có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc có khả năng được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng; Có phương án khả thi để phát triển công nghệ hoặc sản phẩm KH&CN trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm.

b) Đề tài trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn: Có tính mới; kết quả nghiên cứu bảo đảm tạo ra luận cứ khoa học, giải pháp kịp thời cho việc giải quyết vấn đề thực tiễn trong hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, pháp luật của Nhà nước;

c) Đề tài trong các lĩnh vực khác: Sản phẩm KH&CN bảo đảm tính mới, tính tiên tiến so với các kết quả đã được tạo ra tại Việt Nam hoặc quốc tế thông qua các công bố trong nước và quốc tế, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

3. Yêu cầu riêng đối với dự án

a) Có xuất xứ công nghệ từ: Công nghệ được chuyển giao theo hợp đồng chuyển giao công nghệ; công nghệ hoặc sản phẩm KH&CN được tạo ra từ kết quả nghiên cứu của đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ đã được hội đồng tư vấn KH&CN đánh giá, nghiệm thu; kết quả khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích;

b) Công nghệ hoặc sản phẩm KH&CN được tạo ra ổn định ở quy mô sản xuất loạt nhỏ và có tính khả thi trong ứng dụng hoặc phát triển sản phẩm ở quy mô sản xuất hàng loạt;

c) Có khả năng huy động được nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện.

4. Yêu cầu riêng đối với đề án khoa học: Có kết quả nghiên cứu làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật với đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ việc hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

III. ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ XUẤT, ĐẶT HÀNG NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2026

1. Lĩnh vực khoa học nông nghiệp

- Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để giải quyết các thách thức trong nông nghiệp:

+ Hỗ trợ ứng dụng công nghệ chế biến tiên tiến, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về vật liệu, chế phẩm bảo quản vào sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao;

+ Hỗ trợ ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo ứng dụng trong nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng trong sản suất nhằm nâng cao giá trị cho doanh nghiệp hướng tới nền nông nghiệp sản xuất xanh - sạch và bền vững theo chuỗi khép kín, tuần hoàn;

 + Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số gồm công nghệ cảm biến; điều khiển từ xa; IoT, Big data, phần mềm phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây trồng, vật nuôi và giai đoạn sinh trưởng của cây, vật nuôi, nhằm xác định nhu cầu, tối ưu hóa đầu vào và trang thiết bị cho sản xuất; công nghệ AI ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của vật nuôi;

- Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp:

+ Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các giống cây trồng có giá trị, thích nghi biến đổi khí hậu, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Tập trung các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh

+ Triển khai ứng dụng các quy trình công nghệ sản xuất các sản phẩm sinh học như: các chế phẩm sinh học thế hệ mới, kít chẩn đoán, quản lý dịch bệnh cây trồng và kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản; sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học; thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; sản phẩm sinh học xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi; sản phẩm sinh học phục vụ sơ chế, bảo quản và chế biến nông lâm thủy sản tạo cơ sở hình thành nền kinh tế nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn mang lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

+ Ứng dụng và phát triển công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sơ chế, bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản chủ lực.

+ Triển khai ứng dụng ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, tập trung vào các công nghệ theo chuỗi công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với từng nhóm nguyên liệu đặc trưng của tỉnh (các sản phẩm nông sản; nấm dược liệu, cây dược liệu,…) tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn và có giá trị cao:

+ Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, biện pháp sinh học để sản xuất các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường; xử lý các loại chất thải rắn, nước thải, khí thải tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bệnh viện, bãi rác, khu đô thị; trong ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.

+ Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong tái chế chất thải, xử lý phụ phẩm nông nghiệp, xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ thiên nhiên và các nguồn chất thải phát sinh từ nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt; phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên (tài nguyên rừng, đất, nước, không khí, đa dạng sinh học,…).

- Thực nghiệm, đánh giá khả năng thích nghi của một số cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới trên các vùng sinh thái, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Ứng dụng các tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình nông nghiệp sạch, dược liệu an toàn, đạt tiêu chuẩn (GACP- WHO, hữu cơ, Global GAP, VietGap,..).

- Ứng dụng các tiến bộ KH&CN phát triển các sản phẩm tiềm năng gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

2. Lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ

- Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực công nghiệp:

+ Triển khai ứng dụng ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, tập trung vào các công nghệ theo chuỗi công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với từng nhóm nguyên liệu đặc trưng của tỉnh (các sản phẩm nông sản; nấm dược liệu, cây dược liệu,…) tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn và có giá trị cao:

+ Ứng dụng và phát triển công nghệ enzyme, protein và vi sinh vật trong bảo quản, chế biến, sản xuất nước uống lên men, lên men thực phẩm, dược phẩm... từ cà phê, dược liệu và các nông sản khác nhằm gia tăng chất lượng sản phẩm.

+ Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ enzyme, protein và vi sinh vật trong bảo quản, chế biến, sản xuất nước uống lên men, lên men thực phẩm, dược phẩm... từ cà phê, dược liệu và các nông sản khác nhằm gia tăng chất lượng sản phẩm; các quy trình công nghệ, thiết bị lên men vi sinh ở quy mô vừa và nhỏ để sản xuất, chế biến thực phẩm đồ uống lên men, nước giải khát có nguồn gốc tự nhiên (thực vật, vi sinh vật), các sản phẩm đồ uống chế biến từ hạt, ngũ cốc (gạo, ngô…).

- Chuyển giao, ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực môi trường:

+ Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường, ưu tiên xử lý chất thải y tế; chất độc hóa học; chất thải trong sản xuất, chế biến nông lâm, thủy sản và chăn nuôi; chất thải trong công nghiệp và sinh hoạt, chất thải nguy hại.

+ Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ thiên nhiên và các nguồn chất thải phát sinh từ nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt; phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên (tài nguyên rừng, đất, nước, không khí, đa dạng sinh học,…).

- Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ enzyme, protein và vi sinh vật trong bảo quản, chế biến, sản xuất nước uống lên men, lên men thực phẩm, dược phẩm... từ cà phê, dược liệu và các nông sản khác nhằm gia tăng chất lượng sản phẩm; các quy trình công nghệ, thiết bị lên men vi sinh ở quy mô vừa và nhỏ để sản xuất, chế biến thực phẩm đồ uống lên men, nước giải khát có nguồn gốc tự nhiên (thực vật, vi sinh vật), các sản phẩm đồ uống chế biến từ hạt, ngũ cốc (gạo, ngô…).

- Triển khai ứng dụng có hiệu quả công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như: Trí tuệ nhân tạo (AI); Dữ liệu lớn (Big data); Internet kết nối vạn vật (Internet of Things-IoT); Khai thác dữ liệu (Data mining); Sinh học tổng hợp (Synthetic biology); Khoa học vật liệu (Materials science); ứng dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ nano, robot và tự động hóa… trong xây dựng, quản lý chính quyền thông minh, đô thị thông minh, trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và trong hoạt động của các ngành, lĩnh vực nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; Ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM), áp dụng vật liệu và công nghệ mới trong hoạt động xây dựng.

3. Lĩnh vực khoa học y - dược

- Nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh; nghiên cứu giải pháp củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý, dự phòng, chẩn đoán, điều trị các loại bệnh truyền nhiễm, bệnh nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh mới.

- Nghiên cứu chọn, tạo giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh. Phát triển sản xuất, ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học trong y dược: chiết xuất hoạt chất từ dược liệu; sản xuất, bảo quản và bào chế dược liệu; các loại thực phẩm chức năng, sản phẩm bổ dưỡng, giải độc, thuốc từ các nguồn dược liệu của tỉnh (Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Ngũ vị tử, lan Kim Tuyến,...) hỗ trợ trong chăm sóc, điều trị bệnh và phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

4. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; an ninh - quốc phòng

- Nghiên cứu những vấn đề kinh tế - xã hội, tổng kết thực tiễn, phát hiện những tiềm năng, nguồn lực và mô hình mới trong thực tiễn để tham mưu, tư vấn, cung cấp luận cứ khoa học, lý giải những vấn đề thực tiễn đặt ra; nghiên cứu dự báo tình hình và xu thế phát triển làm cơ sở cho việc xây dựng chủ trương, chính sách, giải pháp mang tính chiến lược phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.

- Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống - lịch sử - văn hoá của tỉnh Kon Tum; các vấn đề về tôn giáo, phát triển, phát huy nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum; mô hình quản trị mới; xây dựng các sản phẩm du lịch nhằm khai thác tiềm năng của tỉnh, các mô hình phát triển du lịch tại nông thôn và du lịch cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao.

- Nghiên cứu phát triển Logistics, chuỗi cung ứng các sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh gắn với liên kết vùng; nghiên cứu xây dựng chuỗi giá trị nông sản thông qua ứng dụng công nghệ số; nghiên cứu cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo.

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong xây dựng khu vực phòng thủ; nghiên cứu đề xuất các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự ở các lĩnh vực.

5. Lĩnh vực khoa học tự nhiên

Điều tra, thu thập, đánh giá các tài nguyên sinh vật, tài nguyên khoáng sản có giá trị khoa học, giá trị kinh tế cao phục vụ công tác bảo tồn, khai thác và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

6. Lĩnh vực khoa học và công nghệ trong giáo dục

 - Các công cụ, nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) để thiết kế các bài học phù hợp với trình độ và khả năng của từng học sinh; dạy học và đánh giá năng lực học sinh theo hướng cá biệt hóa người học.

- Các công cụ, nền tảng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), xây dựng môi trường học tập mô phỏng, tương tác 3D để học sinh dễ tiếp cận các khái niệm phức tạp (như khoa học, lịch sử, địa lý).

- Các ứng dụng để phân tích dữ liệu học tập,  theo dõi hành vi và tiến trình học tập của học sinh để dự đoán sớm khả năng tiếp thu hoặc nguy cơ bỏ học.

7. Nhiệm vụ KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa

Nhiệm vụ về xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hoá, hiện đại hoá hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh…

IV. TIẾP NHẬN ĐỀ XUẤT, ĐẶT HÀNG NHIỆM VỤ KH&CN CẤP TỈNH NĂM 2026

Trên cơ sở căn cứ xây dựng, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ và định hướng đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2026 nêu trên, đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân xây dựng Phiếu đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2026 (Mẫu phiếu kèm theo Thông báo này). Trường hợp đề xuất 02 nhiệm vụ trở lên thì kèm thêm Danh mục tổng hợp đề xuất đặt hàng (xếp theo thứ tự ưu tiên về tính cấp thiết và tính khả thị của nhiệm vụ)

Riêng đối với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh, ngoài Phiếu đề xuất đặt hàng nhiệm vụ và danh mục tổng hợp (nếu có), gửi kèm Công văn để làm rõ thêm cơ sở và lý do đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN đối với ngành, lĩnh vực và địa phương và sự cần thiết huy động nguồn lực KH&CN hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.

Hồ sơ đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2026 gửi về Sở KH&CN tỉnh Kon Tum trước ngày 20/2/2025; Địa chỉ: tầng 4 - Tòa nhà B Trung tâm Hành chính tỉnh Kon Tum, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum và gửi file word qua địa chỉ Email: dtvthanh.skhcn@kontum.gov.vn để tổng hợp.

(Thông báo và biểu mẫu được đăng tải trên Website http://skhcn.kontum.gov.vn).

Sở KH&CN trân trọng thông báo đến Quý cơ quan, đơn vị biết đề xuất./.

Nguồn: Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kon Tum