Căn cứ Quyết định số 42/2015/QĐ-UBND ngày 10/9/2015 và Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 19/6/2019 của UBND tỉnh về việc quy định quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh trên địa bàn Bình Thuận;
Căn cứ Quyết định số 990/QĐ-UBND ngày 06/5/2024 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng thực hiện trong kế hoạch năm 2024.
Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận thông báo đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện đề tài KHCN cấp tỉnh thực hiện trong năm 2024 như sau:
I. TÊN, MỤC TIÊU, SẢN PHẨM, PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN, ĐƠN VỊ SỬ DỤNG KẾT QUẢ:
1. Tên đề tài: Nghiên cứu chế tạo vật liệu sinh học trên cơ sở collagen tự nhiên từ phụ phẩm hải sản tại Bình Thuận.
a. Định hướng mục tiêu của đề tài:
- Đánh giá các thành phần và hàm lượng collagen từ các loại phụ phẩm hải sản tại Bình Thuận.
- Tách chiết thành công collagen tự nhiên từ phụ phẩm hải sản tại Bình Thuận.
- Chế tạo vật liệu sinh học trên cơ sở collagen tách chiết được.
- Sản xuất thử nghiệm 500 gram collagen tự nhiên.
b. Định hướng sản phẩm chính của đề tài:
- Quy trình tách chiết hiệu quả collagen từ phụ phẩm hải sản tại Bình Thuận: Hiệu suất tách chiết collagen > 10%; Độ sạch collagen thu được > 90%.
- Quy trình chế tạo màng sinh học dựa trên collagen tách chiết được. Màng tạo ra có tính tương thích sinh học: tỉ lệ sống tế bào > 70 %; Độ bền kéo > 1 Mpa; Khả năng hấp thụ nước > 100% so với khối lượng màng.
- Báo cáo thành phần và hàm lượng collagen từ các loại phụ phẩm hải sản tại Bình Thuận.
- Báo cáo đánh giá các tính chất lý, hóa và sinh học của collagen từ các loại phụ phẩm hải sản tại Bình Thuận.
- Báo cáo đánh giá các tính chất và khả năng chữa lành vết thương của màng sinh học được tạo ra.
- 500 gram collagen tự nhiên từ phụ phẩm hải sản tại Bình Thuận: Phải có doanh nghiệp tại Bình Thuận tham gia đối ứng kinh phí tối thiểu 70% vào quá trình sản xuất thử nghiệm.
- 01 bài báo trong nước.
- 01 bài báo quốc tế thuộc danh mục Scopus.
- 01 giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ thông báo chấp nhận đơn.
d. Đơn vị dự kiến ứng dụng:
- Tổ chức, cá nhân tham gia đối ứng kinh phí thực hiện.
- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu.
- Sở Y tế Bình Thuận; Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận; Chi cục Thủy sản Bình Thuận; và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
2. Tên đề tài: Nghiên cứu các nguyên nhân gây xói lở và đề xuất giải pháp công trình bảo vệ bờ và tôn tạo bãi cung bờ Mũi Né - Đá Ông Địa - Phú Hài
a. Định hướng mục tiêu của đề tài:
- Đánh giá hiện trạng bồi xói, phân tích cơ chế thủy động lực, vận chuyển bùn cát ven bờ nhằm tìm nguyên nhân gây xói lở.
- Đánh giá tác động của việc xây dựng các công trình bảo vệ bờ hiện hữu đến chế độ thủy động lực học tại khu vực, có bao gồm đánh giá hiện tượng ao xoáy (Rip current).
- Xác định được nguyên nhân gây xói lở cung bờ Mũi Né - Đá Ông Địa - Phú Hài.
- Đề xuất giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ bờ và tôn tạo bãi cho toàn bộ bãi biển đang bị xâm thực nghiêm trọng tại cung bờ Mũi Né - Đá Ông Địa - Phú Hài phục vụ phát triển kinh tế, du lịch bền vững.
b. Định hướng sản phẩm chính của đề tài:
- Báo cáo khảo sát địa hình.
- Báo cáo khảo sát thủy hải văn.
- Báo cáo phân tích, đánh giá thực trạng xói lở, bồi tụ tại cung bờ biển Mũi Né - bãi Đá Ông Địa - Phú Hài.
- Báo cáo Phân tích cơ chế thủy động lực, vận chuyển bùn cát ven bờ; Đánh giá tác động của việc xây dựng các công trình bảo vệ bờ hiện hữu đến chế độ thủy động lực học tại khu vực nghiên cứu, có bao gồm đánh giá hiện tượng ao xoáy (Rip current).
- Báo cáo đánh giá phân tích nguyên nhân xói lở và phân tích lựa chọn giải pháp bố trí tổng thể hệ thống công trình bảo vệ bờ, chống xói lở tôn tạo bãi.
- Kết quả mô hình Dự báo xói lở đường bờ biển đến 2050 ứng với các giải pháp công trình, để từ đó lựa chọn giải pháp và phương án mặt cắt tối ưu cho khu vực nghiên cứu.
- Thiết kế sơ bộ mặt cắt điển hình của giải pháp được lựa chọn.
- Các mô hình số 3D các công trình và chuyển giao quy trình quản lý trực tuyến trên nền tảng GIS, Google engine…
d. Đơn vị dự kiến ứng dụng:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- UBND thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi; UBND các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân.
- Hiệp hội Du lịch tỉnh.
- Các sở ngành, đơn vị có liên quan đến công tác bảo vệ bờ biển.
II. THÀNH PHẦN HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THAM GIA TUYỂN CHỌN:
1. Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức chủ trì.
2. Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ đề tài (Mẫu B1-1-ĐON).
3. Thuyết minh đề tài (sử dụng biểu B1-2a-TMĐTCN).
4. Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì đề tài (Mẫu B1-3-LLTC).
5. Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm và các thành viên thực hiện chính, thư ký khoa học thực hiện đề tài có xác nhận của cơ quan quản lý nhân sự (Mẫu B1-4-LLCN).
6. Văn bản xác nhận (nếu có) về sự đồng ý của các tổ chức tham gia phối hợp thực hiện đề tài (Mẫu B1-5-PHNC).
7. Báo giá thiết bị, nguyên vật liệu chính cần mua sắm, dịch vụ cần thuê để thực hiện đề tài (thời gian báo giá không quá 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ). Báo giá được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung trước thời điểm họp thẩm định kinh phí (nếu cần).
8. Phương án huy động vốn đối ứng đối với đề tài phải có vốn đối ứng. Văn bản cụ thể cần có cho từng trường hợp trong phương án huy động vốn đối ứng như sau:
a) Đối với trường hợp sử dụng nguồn vốn tự có: Hồ sơ minh chứng tổ chức chủ trì có thể huy động được nguồn vốn tự có để thực hiện đề tài.
b) Đối với trường hợp huy động vốn từ các cá nhân/tổ chức hoặc huy động vốn góp của chủ sở hữu: Cam kết pháp lý và giấy tờ xác nhận về việc đóng góp vốn của các cá nhân/tổ chức/chủ sở hữu cho tổ chức chủ trì để thực hiện đề tài.
c) Đối với trường hợp vay tổ chức tín dụng: Cam kết cho vay vốn của các tổ chức tín dụng để thực hiện đề tài hoặc hợp đồng hạn mức tín dụng còn hiệu lực của tổ chức tín dụng đối với tổ chức chủ trì. Trước khi ký hợp đồng thực hiện đề tài, nếu Tổ thẩm định kinh phí có yêu cầu, tổ chức chủ trì bổ sung Hợp đồng tín dụng cho đề tài với tổng giá trị hợp đồng tín dụng đảm bảo được vốn đối ứng thực hiện đề tài.
9. Tài liệu liên quan khác, nếu tổ chức đăng ký tham gia tuyển chọn thấy cần thiết bổ sung làm tăng tính thuyết phục của hồ sơ hoặc đơn vị quản lý cần làm rõ thông tin trong quá trình tuyển chọn và thẩm định đề tài.
Tổ chức và cá nhân tham gia tuyển chọn nhiệm vụ KHCN gửi 01 bộ Hồ sơ giấy gồm 14 bản (01 bản gốc và 13 bản sao) và 01 bản điện tử của hồ sơ về Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận (qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp).
Thùng đựng Hồ sơ phải được niêm phong, bên ngoài ghi rõ:
- Tên đề tài.
- Tên, địa chỉ, số điện thoại, email của tổ chức đăng ký chủ trì và tổ chức tham gia phối hợp thực hiện.
- Họ tên, số điện thoại, địa chỉ mail của cá nhân đăng ký chủ nhiệm và danh sách cá nhân tham gia chính.
- Danh mục tài liệu có trong thùng hồ sơ.
III. THỜI HẠN NHẬN HỒ SƠ:
Thời gian nhận hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn chậm nhất đến 17 giờ ngày 08/7/2024. Ngày nhận hồ sơ là ngày ghi dấu của bưu điện (trường hợp gửi qua Bưu điện) hoặc dấu công văn đến của Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận (trường hợp gửi trực tiếp).
Trường hợp thành phần hồ sơ không đầy đủ và không nộp đúng thời gian như trên, Sở Khoa học và Công nghệ không đưa ra tuyển chọn.
Địa chỉ: Sở Khoa học và Công nghệ. 08, Nguyễn Tất Thành, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận. ĐT: 0252.382.33.93
Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận