Phương pháp học tập Đại học cho Tân sinh viên ĐH Đông Á

Đại Học Đông Á với 6 mục tiêu đào tạo là một môi trường thuận lợi để phát huy phương pháp học tích cực, trong đó phương pháp học tập theo nhóm đóng vai trò then chốt. Để thành công trong môi trường học tập Đông Á, mỗi sinh viên cần hội đủ 3 yếu tố cơ bản: tính tự giác chủ động; một hệ thống các cách thức học tập cụ thể, phù hợp với mỗi người; cuối cùng là áp dụng hiệu quả các kỹ năng sống vào học tập và tích cực tham gia các hoạt động ngoài giờ.

Xin nhiệt liệt chào mừng tất cả các tân sinh viên của Đại Học Đông Á có mặt hôm nay để khởi đầu cho một bước ngoặt mới của cuộc đời. Bước chân vào giảng đường Đại học, các anh chị có thể tự hào về thành công đầu tiên có tính chất quyết định đó trong cuộc đời mình. Tuy nhiên, hôm nay, bên cạnh niềm phấn khích, tôi có thể đọc được trên khuôn mặt các anh chị sự hồi hộp và ít nhiều lo âu. Bởi vì, việc học tập ở bậc Đại học sắp tới sẽ đem đến cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức, đòi hỏi ở các anh chị sự cố gắng, tính chủ động và có phương pháp học tập phù hợp. Vâng, phương pháp học tập sẽ đóng vai trò quyết đinh cho kết quả của chúng ta trong những năm sắp tới. Kinh nghiệm thực tế chỉ ra rằng, có những sinh viên vốn học rất giỏi ở trường phổ thông bỗng chốc hụt hẫng và thất bại vì không thể thích nghi với cách học ở trường đại học. Chúng ta có thể tránh điều đó không và cần có phương pháp học tập như thế nào ở trường Đại học Đông Á? Buổi gặp gỡ của chúng ta hôm nay nhằm mở ra một sự trao đổi về vấn đề đó dựa trên những trải nghịêm của tôi và quyết tâm đặc biệt của ĐH Đông Á hướng đến một phương pháp dạy và học tập tích cực từ năm học 2009-2010.

Mục tiêu giáo dục và phương pháp học tập tương ứng

Trong một hệ thống giáo dục, phương pháp học tập phù hợp với nội dung học tập và được quyết định bởi mục tiêu và triết lý học tập. Hãy bắt đầu từ câu hỏi cơ bản về mục tiêu: học để làm gì? Trong báo cáo về giáo dục thế kỷ 21 được đưa ra bởi UNESCO, tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc, câu trả lời đã trở thành kim chỉ nam cho giáo dục toàn cầu, đó là “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để hoàn thiện nhân cách”.

Thực tiễn nền giáo dục nước ta chưa đáp ứng được 4 mục tiêu đó. Giáo dục phổ thông Việt Nam mới nhấn mạnh đến “học để biết” và ít nhiều “học để hoàn thiện nhân cách”. Hạn chế đó cùng với đặc thù của văn hóa phong kiến phương Đông dẫn đến một lối học thụ động theo kiểu học thuộc lòng những điều định sẵn từ sách vở, được truyền giảng bởi người thầy. Nền giáo dục tiên tiến, ngay từ phổ thông đã hướng học sinh đến phương pháp học tập tích cực, dựa trên sự chiếm lĩnh kiến thức của chính người học. Xin kể câu chuyện thực tế khi tôi chứng kiến cách học sinh vật của một học sinh lớp 6 ở Hà Lan. Bài học là về côn trùng. Trong môn học, mỗi học sinh được chọn một loại côn trùng để làm bài báo cáo. Cháu gái con của anh giáo sư Hà Lan bạn tôi chọn nghiên cứu về con ong vì trong khu rừng nhỏ sau nhà cháu có vài tổ ong được nuôi tự nhiên. Tôi thích thú chứng kiến cứ sáng thứ bảy hàng tuần, cháu mang lỉnh kỉnh những ống nhòm, máy ảnh chuyên nghiệp, giá vẽ, sổ ghi chép,... ra bìa rừng để thực tế quan sát và ghi chép hoạt động của đàn ong. Cùng với những tài liệu cháu đọc từ thư viện, những quan sát và ảnh chụp thực tế, cháu đã viết một báo cáo khoa học khá chuyên nghiệp về ong. Cháu đã trình bày báo cáo này để lấy kết quả cuối cùng cho môn học. Ngẫm lại cách học của học sinh Việt Nam về các nội dung tương ứng. Bất giác tôi nghĩ về câu chuyện khá phổ biến “Rắn là loài bò, rắn là loài bò...sát không chân, sát không chân”!

Lối học vẹt như thế triệt tiêu khả năng sáng tạo và chủ động của người học gây ra rất nhiều những khó khăn trên con đường hội nhập và tranh đua trên trường quốc tế. Xin kể câu chuyện thứ hai. Câu chuyện này được kể bởi một người bạn Việt Nam của tôi, nay là một giáo sư y khoa nổi tiếng tại một truờng ĐH lớn của nước Úc. Hàng năm trường anh ưu tiên cấp học bổng cho những sinh viên đỗ đầu tại các trường Y Dược Viêt Nam du học tại Úc để lấy bằng bác sĩ hoặc chuyên khoa. Anh là một trong những giáo sư trực tiếp dạy từ năm thứ nhất cho đến lúc sinh viên thực tập ra trường. Anh kể một hiện tượng phổ biến gần như thành quy luật: trong một hoặc hai năm đầu (trong chương trình học 6 năm), sinh viên Việt Nam thường luôn dẫn đầu trong lớp (trừ môn tiếng Anh), có những học phần như toán cao cấp, sinh viên VN được xem như thầy của các đồng môn. Thế nhưng càng lên các năm sau, khi chương trình có những chuyên đề tự chọn, đòi hỏi tính chủ động và nghiên cứu cao, sinh viên VN trở nên lúng túng và hết sức thụ động. Kết quả là càng ngày họ càng đuối dần so với các đồng môn bản xứ.

Hai câu chuyện trên đều có chung một nguyên nhân. Học sinh chúng ta không được học phương pháp học, không được học tập theo cách thức tích cực, những cách thức không những khiến kiến thức được chiếm lĩnh một cách tự nhiên bởi người học mà còn tạo ra thói quen chủ động trong việc giải quyết những yêu cầu của nghiên cứu hoặc do thực tiễn đặt ra.

Trở lại với thực tế hôm nay, khi mỗi chúng ta đang đối mặt với yêu cầu cần học tập để trở thành một kỹ sư hoặc cử nhân lành nghề, có khả năng đương đầu với yêu cầu cao của thực tiễn. Thực tiễn sinh động của cuộc sống hiện nay yêu cầu giáo dục đáp ứng đủ 4 mục tiêu của UNESCO: không những học để biết, học để làm việc, học để hoàn thiện nhân cách mà còn học để chung sống. So với việc học chỉ có 1,2 mục tiêu ở PT trước đây, so với quán tính cũ từ lối học thụ động vốn kéo dài quá lâu ở nước ta, sự nỗ lực và khối lượng học tập của mỗi sinh viên Việt Năm sẽ phải gấp nhiều lần bình thường để có thể sánh vai với các bạn bè quốc tế.

Mục tiêu học để chung sống và phương pháp học tập theo nhóm.

Mục tiêu học để chung sống là một thách thức mới mẻ và hết sức quan trọng. Bức tranh thành công của nền kinh tế Nhật Bản được dệt nên bởi tinh thần “hợp tác làm việc” hay còn gọi là phẩm chất “làm việc nhóm” của người Nhật. Câu chuyện đùa về “một người Việt thì hơn một người Nhật, hai người Việt thì bằng hai người Nhât, ba người Việt thì thua ba người Nhật” ám ảnh và day dứt trong mỗi người Việt chúng ta. Mục tiêu “chung sống” đó đòi hỏi sinh viên ngay bây giờ phải được rèn luyện để có kỹ năng “làm việc nhóm”. Mấu chốt của kỹ năng đó trong nhà trường thật đơn giản: cần được học và thực hành làm việc nhóm liên tục, hiệu quả ngay trong môi trường học tập. Rất may mắn, tại Trường ĐH Đông Á, từ năm học này, kỹ năng “làm việc nhóm” là một trong những kỹ năng sống sẽ được giảng dạy chính thức cho sinh viên toàn trường. Và điều đó chưa hề xảy ra ở các Đại học khác ở miền Trung, kể cả các Đại học công lập lớn. Các anh chị không những sẽ được học môn Kỹ năng làm việc nhóm, mà còn có cơ hội thực hành nó trong mọi môn học ở trường. Phương pháp dạy-học làm việc nhóm sẽ được sử dụng ở ĐH Đông Á như một cú hích quan trọng làm thay đổi tư duy và cách thức kiến tạo kiến thức cho người học, đáp ứng mục tiêu và nội dung học tập đại học cũng như yêu cầu từ thực tiễn sinh động.

Đào tạo theo tín chỉ và phương pháp học tập tích cực

Trong tuần lễ sinh họat đầu năm này, nhà truờng sẽ giới thiệu về hình thức đào tạo tín chỉ và anh chị cần nắm rõ những yêu cầu quan trọng của nó để có những sự chuẩn bị cần thiết ngay từ bây giờ. Duới góc độ của người học, đào tạo theo tín chỉ hướng tới quyền lợi của người học, đem lại cho người học những cơ hội tự quyết định thời gian và nội dung đào tạo, tạo ra một không gian linh hoạt để người học lựa chọn hướng đi cụ thể cho mình. Dĩ nhiên để những ưu điểm nêu trên phát huy, người học phải đáp ứng những yêu cầu tương xứng: đó là tính chủ động, tự giác cao độ trong suốt quá trình học tập; đó là một phương pháp học tập tích cực, có kế hoạch; đó là một sự hợp tác nhuần nhuyễn với thầy cô giáo để thực hiện những yêu cầu cao về tự học, tự nghiên cứu. Trong hình thức đào tạo tín chỉ, để học 1 giờ trên lớp, người dạy lẫn người học phải có 2 giờ làm việc ở nhà. Chỉ cần một chút chủ quan hay lơ là, không thực hiện tốt công việc của 2 giờ ở nhà, quá trình dạy-học sẽ bị bẻ gãy và mục tiêu bị đánh mất.

Người học cần chuẩn bị những gì cho việc học tập ở Đại học Đông Á đạt hiệu quả tốt nhất?

Như đã phân tích ở trên, có thể tóm tắt 3 yếu tố cơ bản sau đây mà một sinh viên Đông Á cần có:

1) Tính tự giác, chủ động trong học tập và sự sử dụng hiệu quả các điều kiện vật chất tối thiểu

2) Tổ hợp các biện pháp học tập tích cực bao gồm: kế hoạch học tập toàn khóa, thời gian biểu học tập, các phương pháp học trên lớp, học ở nhà, cách thức ghi chép bài trên lớp, cách thức chuẩn bị bài, cách thức tìm tài liệu, cách thức tự ôn tập, ...

3) Áp dụng hiệu quả các kỹ năng sống vào học tập đặc biệt là kỹ năng học nhóm và tham gia tích cực các hoạt động ngoài giờ ở trường và xã hội.

Chúng ta có thể trao đổi thêm chi tiết và biện pháp về các yếu tố nêu trên trong phần thảo luận. Ở đây, xin phân tích vai trò và mối liên hệ của chúng.

- Không có một phép lạ nào có thể tránh một kết quả học tập tồi tệ nếu chúng ta không tự giác và chủ động trong học tập. Nếu suốt ngày cứ lêu lỏng chơi bời, lên lớp chỉ để đối phó, tiêu pha hoang phí, thì không gì có thể ngăn cản sự sập xuống của cánh cổng đại học. Yếu tố tự giác, chủ động học tập là điều kiện tiên quyết để đạt đến một kết quả tốt trong học tập.

- Ngược lại, nếu rơi vào trạng thái lo lắng thái quá và học đến mức mụ mẫm thì cũng nguy hiểm không kém. Vì thế cần có một tổ hợp những biện pháp học tập phù hợp. Những biện pháp học tập cụ thể rất đa dạng và phù thuộc vào tư chất, thói quen, tính cách của mỗi người. Tuy vậy, trong bất cứ trường hợp nào, phải có một kế hoạch và thời gian biểu khoa học cho từng môn, từng bài, cho cả học kỳ và cho cả niên khóa. Mỗi người phải ngồi xuống và viết ra các sở trường, sở đoản của mình, phân tích để có một phương pháp học tập phát huy được những sở trường và khắc phục những sở đoản. Trao đổi với thầy cô và bạn bè, tham khảo sách vở và trên internet để rút ra những phương pháp học cụ thể cho từng giai đoạn và thời điểm học tập. Trang web http://www.studygs.net/vietnamese/ chứa các cẩm nang và chiến lược về các vấn đề khác nhau trong học tập đại học, từ việc sắp xếp thời gian khoa học, phương pháp chuẩn bị bài, ghi chép bài, ôn tập đến việc viết báo cáo nghiên cứu, rèn luyện tư duy,v.v...

- Việc áp dụng các kỹ năng sống vào học tập hàng ngày là biện pháp nâng cao chất lượng học tập từng môn học, đồng thời thành thạo các kỹ năng để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho công việc sau này. Ngoài ra, những họat động ngoài giờ còn mang đến cho chúng ta sức khỏe, tinh thần sảng khoái, bồi dưỡng năng khiếu thẩm mỹ, đạo đức và lý tưởng sống .

Kết luận

Học tập trong môi trường Đại học đòi hỏi một phương pháp học tập tích cực để phù hợp với mục tiêu học để biết, để làm việc, để chung sống và để hoàn thiện nhân cách. Là sản phẩm 12 năm của một nền giáo dục còn nhiều lạc hậu về nội dung và phương pháp, sự cố gắng nỗ lực của mỗi chúng ta trong môi trường Đại học sắp tới cần phải thực hiện gấp nhiều lần bình thường để thắng quán tính của một lối học thụ động. Đại Học Đông Á với 6 mục tiêu đào tạo là một môi trường thuận lợi để phát huy phương pháp học tích cực, trong đó phương pháp học tập theo nhóm đóng vai trò then chốt. Để thành công trong môi trường học tập Đông Á, mỗi sinh viên cần hội đủ 3 yếu tố cơ bản: tính tự giác chủ động; một hệ thống các cách thức học tập cụ thể, phù hợp với mỗi người; cuối cùng là áp dụng hiệu quả các kỹ năng sống vào học tập và tích cực tham gia các hoạt động ngoài giờ.

Thành công và vinh quang nào cũng được xây dựng bằng mồ hôi và nghị lực. Hãy cố gắng và vững niềm tin vì bên cạnh yêu thương và kỳ vọng của gia đình, các anh chị luôn có sự đồng hành của các thầy cô giáo, của bạn bè và cộng đồng. Chúc các anh chị sinh viên hạnh phúc và đạt được nhiều thành công trong học tập.

Tài liệu tham khảo

[1] http://www.studygs.net/vietnamese/ Trang web chứa các cẩm nang và kinh nghiệm về các vấn đề khác nhau trong học tập đại học

[2] http://www.lib.umn.edu/help/calculator/ Trang web hỗ trợ sinh viên lên lịch làm việc để thực hiện những bài nghiên cứu, bài tập lớn

[3] Learning: The Treasure Within, Report to UNESCO of the International Commission on Education for the Twenty-first Century, UNESCO Publishing, 1996. Báo cáo của Hội đồng Giáo dục Quốc tế (UNESCO) về thế kỷ 21, trong đó đưa ra 4 mục tiêu học tập.

[4] http://www.studygs.net/murder.htm, Phương pháp học hiệu quả MURDER (Mood-Understanding-Recall-Digest-Expand-Review), nghĩa là: tâm trạng tốt-hiểu-nhắc lại-tiếp thu-mở rộng-ôn tập

PGS.TS. Nguyễn Chánh Tú